Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân: "Mong muốn hướng đến một nền nông nghiệp sạch”

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 03:43, 16/05/2019

Đầu tư cả ngàn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy xử lý trứng và chế biến thực phẩm hiện đại, tâm huyết của những người đứng đầu Ba Huân là đem đến cho người dùng Việt Nam nguồn thực phẩm sạch. Thế nhưng, hành trình đó vẫn đang gặp không ít khó khăn...
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân:

* Khi khái niệm về cuộc cách mạng  công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam còn chưa được nhắc đến thì bà Phạm Thị Huân - người sáng lập và đứng đầu Công ty Ba Huân đã nhập khẩu dây chuyền xử lý trứng gia cầm Moba của Hà Lan về Việt Nam để làm cho quả trứng đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi đến tay người dùng. Tuy nhiên, hành trình để quả trứng sạch đến với thị trường không hề đơn giản, nhất là khi Ba Huân đem trứng sạch ra Bắc, phải không, thưa ông?

- Sản xuất trứng gia cầm sạch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở một đất nước vốn có phương thức, quy mô chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quản lý chặt chẽ như Việt Nam. Người tiêu dùng lại chưa ý thức việc sử dụng trứng an toàn nên các đơn vị sản xuất trứng sạch và không sạch cùng tồn tại song song, không có cơ chế ưu tiên cho những đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn. Vì vậy, dù mua công nghệ tính bằng tiền tỷ nhưng chúng tôi vẫn phải bán trứng ngang giá với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác. Bởi với trứng gia cầm, người tiêu dùng vẫn quen mua với giá rẻ chứ không quan tâm đến việc chúng đã được “làm sạch” hay chưa. Khi Ba Huân đưa dây chuyền xử lý trứng gia cầm công nghệ cao “Bắc tiến”, mong muốn của chúng tôi là để người dùng phía Bắc và tiến tới cả nước cùng được dùng những quả trứng sản xuất theo quy trình sạch, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng. Thế nhưng gần một năm đi vào hoạt động, dây chuyền xử lý trứng gia cầm hiện đại nhất thế giới của Ba Huân cũng chỉ mới chạy chưa được nửa công suất do sản lượng tiêu thụ trứng sạch tại phía Bắc còn quá khiêm tốn. Theo cách nghĩ của nhiều người tiêu dùng, quả trứng có lớp vỏ bọc thì không có gì để quan ngại. Vì thế tại các chợ, trứng gia cầm vẫn được bày bán tràn lan với phân và các chất bẩn bám đầy. Và người mua vẫn nghĩ đó là trứng thành phẩm được đưa thẳng từ nơi chăn nuôi đến chợ, cửa hàng. Thực chất đó chính là trứng không an toàn vệ sinh.

Ở các nước tiên tiến, việc xử lý trứng là điều kiện bắt buộc, trong đó, công đoạn rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư không thể bỏ qua và chỉ khi qua đủ các công đoạn này, trứng mới được xem là thành phẩm.

* Như vậy, phải chăng người dùng chưa thấu hiểu tầm quan trọng của quả trứng sạch?

- Đó cũng chính là trăn trở của chúng tôi. Trước tình trạng nhiều loại bệnh phát triển, một phần do thực phẩm bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng, chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm, mong mỏi các doanh nghiệp cùng nhau hợp sức chống thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, muốn kêu gọi người dân chống thực phẩm bẩn thì phải có giải pháp đồng bộ từ ngăn ngừa, kiểm soát, nêu tên những đơn vị chưa làm tốt, hỗ trợ đơn vị sản xuất thực phẩm sạch, tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng. Bởi để nhận biết một quả trứng sạch hay không sạch, ít ai biết do cấu tạo vỏ trứng có tới 7.000 lỗ thông khí nên rất dễ bị vi khuẩn và các tạp chất xâm nhập vào bên trong, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất cao.

Với những tiềm ẩn gây bệnh như vậy, ở các nước tiên tiến, việc xử lý trứng là điều kiện bắt buộc. Trong đó, công đoạn rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư không thể bỏ qua và chỉ khi qua đủ các công đoạn này, trứng mới được xem là thành phẩm.

Khi ra Hà Nội, tôi thấy người dân phía Bắc thường biếu nhau chục trứng khi đến chơi nhà hoặc thăm người ốm, thế nhưng thị trường vẫn có trứng dính đầy phân của vật nuôi, phơi mình dưới khói bụi...

Một quan niệm cũng rất thịnh hành nhưng lại rất không đúng của người tiêu dùng, đó là cái gì nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi đều là an toàn, là sạch. Thực chất, sản phẩm “nhà làm” đều lẻ mẻ, không có tiêu chí để khẳng định thế nào là sạch. Hay như nhiều người cho rằng, sản phẩm đông lạnh là không sạch, không tươi, không ngon là sự ngộ nhận. Thậm chí, nhiều người khi nghe trứng được xử lý thì cho rằng chúng được xử lý bằng chất hóa học nên không dám dùng. Hơn nữa, người dùng cũng hay có tâm lý đám đông, cứ nghe một người nói bẩn hay sạch là hùa theo chứ không hiểu thế nào là bẩn, là sạch. Rõ ràng tình trạng ấy làm cho những doanh nghiệp đi theo con đường sản xuất sạch gặp không ít khó khăn, người tiêu dùng thì bị thiệt thòi.

Vì vậy, tôi mong làm thế nào để mọi người có kiến thức về thực phẩm sạch, cuộc sống sạch chứ không chỉ người nội trợ.

* Theo đuổi hành trình thực phẩm sạch, Ba Huân đã làm gì để hỗ trợ nông dân cùng đồng hành với mình?

- Kinh doanh luôn cần lợi nhuận, nhưng với Ba Huân, làm ra quả trứng sạch, giúp đỡ nông dân chăn nuôi sạch và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước luôn là những mục tiêu song hành và đích đến cuối cùng mà chúng tôi hướng tới. Chúng tôi luôn tâm niệm, làm thực phẩm sạch đồng nghĩa với việc thực hiện trách nhiệm xã hội, vì vậy dù phải đầu tư nhiều nguồn lực nhưng giá thành trứng của Ba Huân luôn bằng hoặc cao hơn chút ít so với giá thị trường. Trong việc bao tiêu trứng gia cầm của nông dân, dù giá thị trường có lên có xuống, chúng tôi vẫn cam kết giá mua ổn định. Không chỉ hỗ trợ đầu ra, nhiều năm qua chúng tôi còn hỗ trợ kỹ thuật đầu vào, hỗ trợ con giống và phương thức canh tác, chăm sóc để giúp nông dân chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Hiện đang có hàng ngàn nông dân tham gia vào dây chuyền chăn nuôi an toàn sinh học, trong chương trình liên kết bốn nhà của Công ty CP Ba Huân.

* Đầu tư bạc tỷ nhưng vẫn phải bán giá ngang bằng sản phẩm chưa qua xử lý, bài toán lợi nhuận của Ba Huân được tính như thế nào, thưa ông ?

- Ai cũng nghĩ làm trứng đơn giản, lại dễ lời nhưng không phải vậy, nhất là làm trứng sạch, phải đầu tư nhiều hơn nhưng lợi nhuận bán một quả trứng lại ngang bằng đơn vị khác không có quy trình sạch. Bấy nhiêu đã thấy thiệt. Vì vậy, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều thứ mới có lãi. Đơn cử, trứng rất dễ bị ế, một quả trứng bình thường chỉ để được 15 ngày, nếu trời nóng thì 10 ngày, chưa kể rất dễ bị dập vỡ nên tỷ lệ hao hụt khá cao. Vì vậy phải làm thêm rất nhiều thứ khác để bù qua sớt lại, ví dụ như sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi để lấy trứng bán, rồi phải thêm sản phẩm chế biến, tiếp theo phải có dòng sản phẩm chế biến sâu để gia tăng giá trị, như lạp xưởng, gà quay, bánh flan, trứng gà omega 3, trứng gà vitamin E, xúc xích, gà viên...

* Ông thường nói “Làm thực phẩm sạch, tâm cũng phải sạch”...

Làm thực phẩm sạch mà nghĩ ngay đến “cái được” thì không làm được, không thể đi đến đích. Mong muốn của Công ty CP Ba Huân  là hướng đến nền nông nghiệp sạch, tạo sức lan tỏa đến doanh nghiệp cùng lĩnh vực hưởng ứng, làm theo. 

- Để có quả trứng sạch thì phải đầu tư cả một chuỗi sản xuất sạch, từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, chuồng trại, quy trình xử lý trứng. Và mỗi công đoạn như vậy đều phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch. Tiếp theo đó còn phải mời chuyên gia nước ngoài đến kiểm tra, phải đầu tư cho chuyên gia trong nước đi tập huấn. Muốn làm trang trại phải có quỹ đất lớn, ít nhất cũng gần hai chục hécta mới đủ làm được trại giống, trại gà đẻ, nhà máy ấp nở... Đầu tư chuồng trại cũng rất tốn kém, nếu chuồng trại không đủ chuẩn sẽ không đáp ứng được quy trình chăm sóc, quản lý hiện đại, không giúp vật nuôi phát triển tối ưu dù giống và thức ăn tốt, đó là chưa nói vật nuôi có thể dễ nhiễm dịch bệnh. Với hàng loạt quy trình khắt khe như thế, nếu không có tâm, nếu “tâm không sạch” sẽ dễ dễ dãi với một vài công đoạn, như vậy, quy trình sản xuất sạch bị ảnh hưởng.

Làm thực phẩm sạch mà nghĩ ngay đến “cái được” thì không làm được, không thể đi đến đích. Mong muốn của Công ty CP Ba Huân  là hướng đến nền nông nghiệp sạch, tạo sức lan tỏa đến doanh nghiệp cùng lĩnh vực hưởng ứng, làm theo. Chúng tôi  tạm xem mình là người dẫn đầu, mà dẫn đầu thì phải có thế hệ kế tiếp. Hy vọng những gì chúng tôi làm được hôm nay sẽ được thế hệ tiếp nối phát triển.

* Nhưng cũng phải có “cái được” trước mắt...

- Có. Cái được lớn nhất là nhiều nông dân hiểu mình, cùng đồng hành với mình, người dùng biết mình và hiện nay nếu nhắc đến Ba Huân, nhiều công ty chế biến thực phẩm nước ngoài khi đến Việt Nam đều tin cậy, các khách sạn, nhà hàng, các đơn vị chế biến thực phẩm cao cấp luôn chọn sản phẩm của Ba Huân làm nguyên liệu. Đơn cử mới đây, Ba Huân đã ký hợp đồng cung ứng khoảng 10.000 quả trứng cho ISE  Food - một tập đoàn có 120 năm chuyên về phát triển trang trại nuôi gà đẻ trứng lớn nhất tại Nhật Bản để phân phối tại các chuỗi nhà hàng và siêu thị. Người Nhật Bản có thói quen dùng trứng tươi ăn liền, không qua chế biến, với nhu cầu rất cao. Sau quá trình khảo sát, nhận thấy quy trình của chúng tôi đạt quy chuẩn của Nhật về kỹ thuật chăn nuôi, bảo quản trứng, đặc biệt là việc bổ sung vitamin E trong thức ăn để đạt hàm lượng 8-15mg/100g cho mỗi quả trứng, với trọng lượng của trứng ở chuẩn từ 58-62g, đặc biệt quy trình xử lý trứng yêu cầu cũng rất khác biệt, như nhiệt độ nước dùng để rửa trứng phải đảm bảo 55 độ C, sau đó làm sạch bằng dung dịch NaClo 9%, xử lý và bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp, họ mới đồng ý hợp tác.

Hiện, chúng tôi đã hoàn thành quy chuẩn từ trang trại đến bàn ăn. Đây không chỉ là sự đầu tư có tiền là làm được mà chính là tâm huyết, là cả hành trình dài mà chúng tôi muốn đi đến đích.

* Nhu cầu chế biến thực phẩm còn rất lớn, kế hoạch của Ba Huân về cơ hội này ra sao, thưa ông?

- Do đầu tư quá lớn nên chúng tôi phải làm từng bước, đi từng bước. Hiện nay, các sản phẩm chế biến của Ba Huân bán rất tốt, nhất là xúc xích gà. Nhưng chúng tôi đang “đau đầu” tính toán làm sao có giá thành hợp lý nhất để hướng đến đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập trung bình thấp.

* Còn việc xuất khẩu trứng?

- Xuất khẩu trứng gà omega 3 cũng là kế hoạch mà Ba Huân hướng đến nhưng chưa phải lúc này vì mục tiêu của chúng tôi sản xuất đúng chuẩn quốc tế là để hướng đến thị trường trong nước, muốn người Việt Nam được dùng sản phẩm sạch, được phục vụ người Việt Nam chứ không vì mục đích xuất khẩu.

* Mong muốn nhiều  doanh nghiệp làm theo mình, Ba Huân chia sẻ kinh nghiệm gì để giúp họ thành công?

- Đã theo con đường kinh doanh bền vững và đi cùng nông dân, sức khỏe cộng đồng  thì phải biết hy sinh quyền lợi, lấy chữ tâm, chữ tín làm đầu. Đơn cử, khi đã ký hợp đồng với nông dân, với khách hàng thì cho dù giá lên hay xuống chúng tôi vẫn giữ nguyên nên tạo sự tin cậy từ đối tác. Hay như việc tham gia chương trình bình ổn giá, ngành thực phẩm tươi sống là ngành rất khó tham gia bình ổn vì giá liên tục thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện liên tục mười mấy năm nay.

Nhiều lúc ngồi trò chuyện, chị Ba Huân thường động viên anh em tôi, chị nói: “Nông nghiệp là một ngành gắn bó, thiết thực nhất với người dân Việt Nam nhưng làm ngành này cực lắm. Hơn 50 năm vật lộn với ngành nông nghiệp, chị chỉ mong được sự quan tâm, hỗ trợ sát sao hơn nữa của lãnh đạo trung ương và địa phương. Ví dụ, làm chuỗi thực phẩm sạch có rất nhiều người gắn bó với mình nhưng sản phẩm tiêu thụ chậm hơn sản phẩm không an toàn, kéo theo những người đi theo chuỗi bị ảnh hưởng thì cảm thấy có lỗi với họ và chưa hoàn thành trách nhiệm”.

* Tham gia vào chuỗi chăn nuôi, ông đánh giá thế nào về ngành này?

- Ngành chăn nuôi đang tồn tại một số bất hợp lý vì giá thành nhập khẩu thịt thường rẻ hơn quá nhiều so với giá chăn nuôi trong nước. Nếu không cân nhắc vấn đề này, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Song, đáng lo nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu vẫn còn lỏng, vì hiện nay vẫn có không ít thực phẩm, gia cầm không an toàn vẫn được nhập vào Việt Nam. Một điều nữa là người chăn nuôi hiện nay muốn cải tiến chuồng trại để đạt vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại rất thiếu vốn, nên cần có chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng của Nhà nước.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

LỮ Ý NHI