Pháp kêu gọi các nhà mốt cao cấp tìm kiếm giải pháp bền vững

Đời thường - Ngày đăng : 01:00, 24/05/2019

Paris Good Fashion', sáng kiến được nữ thị trưởng Anne Hidalgo ủng hộ hy vọng sẽ đưa Paris trở thành kinh đô thời trang bền vững trong vòng 5 năm tới.
Pháp kêu gọi các nhà mốt cao cấp tìm kiếm giải pháp bền vững

Theo BOF, trong khuôn khổ hội nghị ‘Thời trang và tuần hoàn’ ở Copenhagen, Đan Mạch, chính phủ Pháp đã kêu gọi các hãng thời trang cao cấp tìm kiếm giải pháp cho những sản phẩm thời trang không bán được hoặc qua mùa, thay vì tiêu hủy, nhằm hướng đến xu thế thời trang bền vững.

Dệt may nói chung và thời trang nói riêng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, trung bình thải ra 1,2 tỷ tấn COmỗi năm, nhiều hơn so với các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải. Chỉ riêng việc giặt vải đã thải ra 500.000 tấn hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương với 50 tỷ chai nhựa, vẫn đang trôi lênh đênh trên biển. Một nghiên cứu của Make Fashion Circular đã chỉ ra rằng, ngành công nghiệp thời trang có thể tiết kiệm đến 560 tỷ USD (trong đó có 460 tỷ USD từ việc mua sắm quần áo vô tội vạ và 100 tỷ USD từ việc tái sử dụng quần áo cũ) khi góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của những con nghiện thời trang.

Nếu như các hãng thời trang nhanh đè nặng áp lực lên môi trường vì vòng quay chu kỳ sản phẩm, chất liệu dễ tìm, nhân công rẻ thì với các nhà mốt, áp lực nằm ở những sản phẩm không bán được. Để giữ giá trị thương hiệu, không bao giờ có việc các nhà mốt sale off các thiết kế đã qua mùa của họ. Giải pháp duy nhất là tiêu hủy. Năm 2017, Burberry từng khiến thế giới sốc khi tiêu hủy số hàng hóa giá trị lên đến 37 triệu USD!

Bà Brune Poirson - Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái và Hòa nhập của Pháp - cho biết: “Có quá nhiều công ty cảm thấy ổn với việc ném bỏ hay thiêu hủy giày dép và quần áo không bán được. Người ta không thể làm thế được nữa! Nó quá kinh khủng.” Bên cạnh việc kêu gọi các thương hiệu tìm kiếm giải pháp, bà cũng cho biết chính phủ Pháp có thể sẽ ban hành lệnh cấm.

Năm 2018, các tập đoàn thời trang lớn như Burberry, H&M, Nike và nhà thiết kế Stella McCartney đã cùng nhau nhóm họp và đề ra ba biện pháp thiết thực giúp loại bỏ rác thải trong ngành công nghiệp thời trang cũng như quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường: hỗ trợ tài liệu và đưa ra mô hình kinh doanh quần áo đã qua sử dụng; cải thiện thiết kế, sử dụng vật liệu an toàn, có thể tái chế; biến quần áo đã qua sử dụng thành quần áo mới. Burberry cũng đã tuyên bố chấm dứt việc tiêu hủy. Thay vào đó, họ sẽ bán lại cho nhân viên của hãng với giá ưu đãi hơn.

Minh Nguyễn