Tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước- Nhiệm vụ cấp bách

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:14, 30/05/2019

Nhu cầu tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) liên tiếp được nhắc đến trong thời gian qua, khi nhiệm vụ này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của chính nhóm ngân hàng này mà còn có những tác động lên nền kinh tế cũng như mục tiêu trong Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Chính phủ.
Tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước- Nhiệm vụ cấp bách

Hệ quả của việc không tăng được vốn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây một lần nữa nhắc lại đề xuất sử dụng ngân sách để tăng vốn cho nhóm NHTM NN là Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Trước đó, tại một số hội nghị, NHNN cũng đã kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm NHTM lớn, khi mà vốn điều lệ của nhóm này thời gian qua tăng rất chậm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2019 đạt hơn 152.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,73% so với tháng 12/2018.

Ngoại trừ Vietcombank đầu năm nay đã hoàn thành tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ đồng nhờ bán vốn cho cổ đông chiến lược là Ngân hàng Mizuho và Quỹ Đầu tư GIC đến từ Singapore, thì các ngân hàng còn lại không có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là trong khi BIDV sắp tăng được vốn từ phát hành cổ phiếu cho một ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana Bank, thì việc tăng vốn của Vietinbank và Agribank vẫn rất khó khăn.

Chính vì chưa thể tăng vốn mà tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này không thể đẩy mạnh. Như tại Vietinbank, hệ số an toàn vốn (CAR) đã chạm “đèn đỏ” từ tháng 9/2018, do đó trong quý IV/2018 phải chủ động giảm 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng và tiếp tục giảm thêm 2.400 tỷ đồng trong quý I vừa qua.

Hệ số CAR đang được xây dựng theo lộ trình để đạt chuẩn Basel II, với Thông tư 41 của NHNN sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Dù hệ số CAR theo quy định mới sẽ về 8%, nhưng nếu áp dụng theo cách tính mới, trong đó có tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, thì một số ngân hàng thậm chí chưa thể đáp ứng được và dĩ nhiên yêu cầu lớn nhất vẫn là phải tăng được vốn điều lệ.

Trong khi đó, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định thì ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017, 45% từ 2018 và 40% từ đầu năm nay. NHNN cũng đang tiếp tục đề xuất lộ trình giảm về 30% vào năm 2021 hoặc 2022.

Thời gian qua, các NHTM NN đã tích cực phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 cũng như cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Theo quy định thì vốn tự có cấp 2 chỉ tối đa bằng 100% vốn tự có cấp 1, nên nếu không thể tăng thêm vốn điều lệ thì các ngân hàng này cũng không thể phát hành thêm trái phiếu dài hạn bao nhiêu cũng được.

Tăng vốn bằng cách nào?

Việc tăng vốn cho NHTM NN đã được đặt ra từ khá sớm trong Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tính dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Chính phủ. Trong đó đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng rất hạn chế. Chính vì vậy, NHNN cho rằng cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các NHTM có vốn nhà nước.

Việc tăng vốn cho NHTM NN đã được đặt ra từ khá sớm trong Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Chính phủ. Trong đó đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng cần nhắc lại rằng, vào năm 2017, những tranh cãi về việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn giữa BIDV, Vietinbank với Bộ Tài chính đã từng thu hút sự chú ý của dư luận. Khi đó, lãnh đạo hai ngân hàng này khăng khăng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng Bộ Tài chính thì nhất quyết chỉ nhận cổ tức bằng “tiền tươi” để nộp về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với yêu cầu tăng vốn cấp thiết hiện  nay, có vẻ giải pháp giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là tiếp tục phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% của tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.  Đối với việc lựa chọn cổ đông chiến lược, phải đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện để tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên), có ít nhất từ một đến hai NHTM năm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á. Với tình hình hiện nay, khả năng chỉ có các “ông lớn” NHTM NN mới có thể phấn đấu lọt vào danh sách top các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Do đó, nếu chưa thể sớm tăng được vốn sẽ hạn chế rất nhiều đến việc đẩy mạnh quy mô kinh doanh, từ đó mục tiêu đưa các ngân hàng này vào tốp đầu khu vực sẽ cần thêm rất nhiều thời gian. Ở góc độ nền kinh tế, nhóm NHTM NN hiện vẫn chiếm thị phần cho vay vượt trội, nhưng nếu chưa tăng được vốn thì cũng không thể phát triển cho vay theo như mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra, khi đó cầu vốn vay không được đáp ứng đủ sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế là điều tất yếu.

Anh Khoa