Giải trí hè cho trẻ em: Nhiều loại hình, ít sân chơi

Đời thường - Ngày đăng : 09:22, 30/05/2019

Nghỉ hè luôn là thời điểm mà cả phụ huynh lẫn trẻ em ở các thành phố lớn đều mong muốn có những sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui vẻ vàhấp dẫn. Nhưng dường như “cung” vẫn chưa đáp ứng được “cầu”?
Giải trí hè cho trẻ em: Nhiều loại hình, ít sân chơi

Gameshow Mặt trời bé con

Không có nhiều lựa chọn

So với nhu cầu ngày càng cao của khán giả thì các chương trình giải trí vừa thiếu về số lượng, vừa không đa dạng. Chẳng hạn, trong bối cảnh hiện nay, khi trò chơi điện tử, mạng internet đang trở nên khó kiểm soát, nhiều phụ huynh muốn tìm những sân khấu dành cho trẻ em. Thế nhưng ở TP.HCM, ngoài vài sân khấu nhỏ nằm trong khu vui chơi tổng hợp như Đầm Sen Park hay Thảo Cầm Viên thì không có địa điểm nào biểu diễn chuyên nghiệp. Các sân khấu chuyên nghiệp ở TP.HCM cũng chỉ đầu tư kịch mục cho trẻ em theo mùa vụ. Như hè năm nay có Sân khấu kịch Idecaf làm Ngày xửa ngày xưa 32 với vở kịch Truy tìm thủy long kiếm (công diễntừ 25/5 đến 30/6 tại Nhà hát Bến Thành). Năm ngoái từng dựng vở nhạc kịch Tiên hắc ám, hè năm nay Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi chỉ tổ chức chương trình ca nhạc - kịch - thời trang dành cho thiếu nhi.

1Phim-Gau-truc-ve-nha11-3409-1559218941.

Phim: Gấu trúc về nhà

Truyền hình bấy lâu vẫn là dạng “sân chơi” tại nhà khá thuận tiện nên rất được các bậc phụ huynh và các em ủng hộ. Đặc biệt, những năm gần đây, gameshow (trò chơi) trên truyền hình thường nở rộ vào dịp hè, giúp trẻ em “vừa chơi vừa học”. Tuy nhiên, gameshow nói chung và gameshow dành cho trẻ em đang rơi vào tình trạng bão hòa, khi rating giảm sút, tài trợ và quảng cáo xuống giá và thậm chí có những chương trình ngưng phát sóng. Hè này cũng chỉ có một số gameshow như Bố là số 1, Đối thủ xứng tầm nhí, Nhóc cưng siêu đẳng... phát sóng rải rác trên HTV hay VTV. Có lẽ chương trình giải trí “vừa học vừa chơi” đáng chú ý của hè này là Bibabibo (50 tập, 15 phút/tập) được mua về từ Nhật Bản dành cho trẻ em từ 0 - 4 tuổi được phát trên các kênh POPS Kids, POPS Baby và truyền hình cáp.

Không khó để nhận thấy, phim truyện (truyền hình và điện ảnh) Việt Nam chiếu hè đã vắng bóng từ nhiều năm nay, phim hoạt hình cũng chỉ giới thiệu nhỏ giọt trên mạng hay truyền hình. Vì vậy, hè này khán giả nhí chỉ có thể xem lại một số bộ phim truyện Việt nam cũ được phát lại trên truyền hình. Còn ra rạp thì “thực đơn” chủ yếu là phim live - action (người đóng) và hoạt hình của Hollywood, Nhật Bản như Đẳng cấp thú cưng (phần 3), Câu chuyện đồ chơi 4, Aladdin và cây đèn thần, Vua sư tử, Gấu trúc về nhà, Doraemon: Nobita và mặt trăng phiêu lưu ký...

“Mảnh đất” giàu tiềm năng bị bỏ rơi?

Trẻ em mong muốn các nội dung giải trí vui vẻ, hấp dẫn, trong khi đó phụ huynh muốn con em mình xem nội dung an toàn, bổ ích và thách thức của các nhà sản xuất là tạo ra nội dung lành mạnh. Gameshow cho trẻ em từng có những thời điểm nở rộ, với các chương trình như Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Người hùng tí hon, Thần tượng âm nhạc nhí, Thử tài siêu nhí, Vua đầu bếp nhí, Ai sẽ thành sao nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Sao nối ngôi nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Mặt trời bé con, Wonderkids - Thần đồng âm nhạc... Bên cạnh những lợi ích thiết thực, gameshow đã bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, do có sự bắt buộc về định dạng, các thí sinh chỉ 6 - 8 tuổi đã phải trang điểm, ăn mặc và nhảy, múa, ca hát như người lớn trong một số gameshow; hay một số gameshow đã lạm dụng sự trong sáng và nước mắt của trẻ em với mục đích gây sự chú ý của khán giả, khiến dư luận xã hội bất bình, lên tiếng phê phán và quay lưng.

Một nghệ sĩ trong ê kíp thực hiện Ngày xửa ngày xưa 32 chia sẻ: làm sân khấu cho thiếu nhi không đơn giản, thậm chí còn khó hơn sân khấu cho người lớn. Vì để giữ chân và hấp dẫn khán giả nhí, ngoài câu chuyện kịch thì các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm đưa vào vở diễn. Chẳng hạn như trong vở Truy tìm thủy long kiếm xuất hiện con rồng dài 30m và King Kong yêu quái cao 8m, cùng cây thủy long kiếm 15m hay chiếc nôi em bé trôi dập dềnh trên sóng biển y như thật... Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho kịch thiếu nhi cũng không nhỏ. Như hè năm ngoái Idecaf đầu tư 650 triệu đồng cho Ngày xửa ngày xưa 31, Sân khấu Buffalo bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng cho vở nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 10.

Ngoài vấn đề khó tìm kịch bản hay, kinh phí đầu tư cao và những điều kiện khách quan khác đã khiến rất ít nhà sản xuất ở Việt Nam mặn mà với phim thiếu nhi. Phim hoạt hình Việt cũng quanh quẩn với các câu chuyện cổ tích, ít câu chuyện thời sự và đầu tư kỹ xảo thua xa phim ngoại nên khó hấp dẫn khán giả nhí. Từng có nhà sản xuất tư nhân lên kế hoạch làm phim hoạt hình dài tập chiếu rạp đầu tư kỹ xảo không thua Hollywood nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên giấy vô thời hạn. 

Xuân Hương