Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà: Năm 2021 sẽ có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về xây dựng
Trong nước - Ngày đăng : 08:26, 04/06/2019
Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vẫn tại Quốc hội |
Về các khiếu nại, tranh chấp tại các dự án nhà chung cư, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 31/3, 458 nhà chung cư còn vướng mắc trên tổng số 4.422 chung cư (kể cả chung cư cũ và mới). Ông cho hay, 57% tranh chấp, khiếu nại chủ yếu do chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị.
Khoảng 15% số lượng tranh chấp liên quan tới bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành. Tỷ lệ tranh chấp liên quan tới xác định sở hữu chung - riêng là 10%... Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ cho thấy có trên 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong số này có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo (tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác).
Về cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá "có chuyển biến nhưng chưa cân đối, chưa hợp lý so với yêu cầu của thị trường". Các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, một số sản phẩm du lịch (condotel, resort villa...) có biểu hiện dư thừa trong khi thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Vốn tín dụng vào bất động sản chủ yếu tập trung vào một số nhà đầu tư lớn và phân khúc bất động sản cao cấp dẫn đến khả năng rủi ro cao. Một số loại thuế (thuế đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân khi mua bán bất động sản...) chưa có tác dụng hạn chế đầu cơ bất động sản, lãng phí đất đai, tài sản.
Về các vấn đề: Quản lý thị trường bất động sản căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.
Với câu hỏi về người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, bộ trưởng Hà cho rằng là hiện tượng có trong thực tiễn nhưng chưa có điều kiện thống kê đầy đủ. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ để xử lý trường hợp người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.
"Đây là vấn đề khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng quản lý và kiểm soát chặt chẽ", ông Hà nhấn mạnh.
Đối với câu hỏi về di dời trụ sở cũ ra khỏi nội đô Hà Nội, bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện có khoảng 8-9 cơ quan chưa bàn giao. Tới đây sẽ bàn bạc kỹ với các cơ quan này để bàn giao lại các trụ sở.
Với dự án tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, bộ trưởng cho hay đã có quy định điều chỉnh ở Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Xây dựng và các luật liên quan… Thời gian qua có một số dự án tâm linh du lịch, quản lý bằng giấy phép xây dựng quy định cụ thể là với dự án cải tạo nâng cấp xây dựng mới thì thực hiện quy định pháp luật, có sự đồng ý của cơ quan quản lý địa phương.
“Tồn tại của việc này là trong các quy định pháp luật là ta chưa cụ thể rõ là nằm trong quy hoạch du lịch hay đô thị, nên chưa rõ. Quy chuẩn tiêu chuẩn trong dự án này chưa có, nên tới đây sẽ quy định rõ đảm bảo phân định rõ ràng, xử lý vấn đề tài chính và đất liên quan”, ông Hà nói.
Với xử lý chung cư cũ, bộ trưởng nhìn nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng là chưa kịp thời, tới đây sẽ phối hợp Hà Nội và TP.HCM nghiên cứu cụ thể cải tạo chung cư cũ, nghiên cứu giải pháp và cơ chế chính sách, hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Đối với câu hỏi về bán nhà khi chưa có đủ điều kiện pháp luật gây nhiều rủi ro, ông Hà cho hay quy định hiện nay đã có đầy đủ nhưng trong việc thực hiện chưa được tốt. Nguyên nhân là do chủ đầu tư cố tình vi phạm; cơ quan quản lý nhà nước phải thông tin công trình, dự án nào đủ điều kiện, nhưng một số địa phương lại chưa trả lời kịp thời.
Giải pháp thời gian tới là tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm chủ đầu tư trong thực hiện. Quy định hiện nay là phạt tiền từ 270-300 triệu đồng nếu đưa bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh và nếu cố tình thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kịp thời thông báo chủ đầu tư đến các dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh.
Thừa condotel, thiếu nhà ở giá thấp. Cơ cấu sản phẩm BĐS với nhu cầu hiện chưa cân đối, các sản phẩm cao cấp, condotel đã có biểu hiện dư thừa trong khi đó lại thiếu loại hình nhà ở giá thấp.
Nguyên do dẫn đến hiện tượng trên là chính sách pháp luật chưa đồng bộ, nguồn lực dành cho bất động sản chưa dồi dào, thị trường cũng chưa minh bạch, công tác quản lý còn yếu. Dù đã có cơ sở dữ liệu dành riêng về bất động sản nhưng bộ dữ liệu này còn chắp vá, chưa đầy đủ.
Các địa phương còn phê duyệt các dự án bất động sản chưa sát với nhu cầu; thủ tục chuyển đổi nhiêu khê, phức tạp. Cộng với đó là công tác thanh tra chưa làm nghiêm.
Giải pháp cho vấn đề nêu trên, bộ trưởng Hà cho biết thời gian tới cả bộ lẫn địa phương cần tăng cường công tác hiệu lực quản lý bất động sản, sửa cơ chế chính sách phù hợp để đáp ứng điều chỉnh về mặt thể chế và hành lang pháp lý, tập trung nguồn lực cho phân khúc bất động sản nhỏ, vừa, các loại hình nhà ở xã hội có quy mô vừa phải.
Về vi phạm xây dựng ở chung cư HH Linh Đàm và toà nhà 8B Lê Trực, bộ trưởng Hà cho biết vấn đề này trách nhiệm thuộc chính quyền TP Hà Nội. Bộ Xây dựng được biết hiện nay TP Hà Nội đang cho cưỡng chế phần vi phạm.
Tuy nhiên có phát sinh từ quá trình cưỡng chế liên quan đến việc ảnh hưởng công năng sử dụng của các công trình, Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ nếu được UBND TP đề nghị để gỡ các vướng mắc phát sinh.
Đề cập đến vi phạm tại chung cư HH Linh Đàm, bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định “sai phạm đã rõ rồi và trách nhiệm xử lý thuộc UBND TP Hà Nội”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) giơ bảng tranh luận và nói rằng bộ trưởng Phạm Hồng Hà tỏ rõ sự lúng túng trước câu hỏi của đại biểu. Việc giải quyết sai phạm ở toà nhà HH Linh Đàm và 8B Lê Trực bộ nói rằng thuộc trách nhiệm của HN là không thoả đáng, vậy thì công tác tham mưu của bộ ở đâu? Đại biểu, người dân chỉ muốn biết là bao giờ bộ sẽ giải quyết. Vì không thoả mãn với trả lời của bộ trưởng nên đại biểu đề nghị chuyển câu hỏi này "vượt tầm" tới phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Về việc Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam vì sao chậm, ông Phạm Hồng Hà cho rằng đúng là hiện nay quy chuẩn liên quan đến xây dựng, Tiêu chuẩn VN cùng lĩnh vực đang có nhiều bất cập, phân tán ở nhiều nội dung, trùng lặp nhau. Một số các quy định đã lạc hậu so với thực tiễn và chậm được sửa đổi bổ sung.
"Năm 2021 bộ sẽ đưa ra được bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến xây dựng", bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.