Bán hàng qua hình thức đấu giá
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 09:00, 07/06/2019
Đấu giá
Đấu giá là một hình thức mua bán thông qua chênh lệch giá. Trước khi tham gia đấu giá, bên bán lẫn bên mua phải đọc, hiểu và chấp thuận các quy định có hiệu lực pháp lý liên quan.
Trách nhiệm pháp lý của bên bán bao gồm nghĩa vụ ghi trong thông tin đấu giá, nhưng không giới hạn các nghĩa vụ về giao hàng, bảo hành sản phẩm, nhận lại sản phẩm được hoàn trả. Bên bán còn phải cam kết các thông tin về sản phẩm đưa lên đấu giá đúng như sản phẩm thực tế, không có sự sai khác.
Sản phẩm đưa ra đấu giá phải là sản phẩm có sẵn, tại địa chỉ của bên bán. Trong quá trình đấu giá, sản phẩm sẽ không được bán, trao đổi hoặc sử dụng cho mục đích khác, trừ trường hợp bên bán thông báo hủy bỏ đấu giá qua điện thoại, fax, email hoặc trực tiếp.
Bên mua cam kết thông tin cá nhân sử dụng để tham gia đấu giá là thông tin trung thực. Bên mua cam kết khi đặt giá và giá đặt là giá trúng đấu giá, sẽ thanh toán ngay cho bên bán. Trong trường hợp không thực hiện đúng các quy định và một bên từ chối chấp nhận giao dịch thì phải chịu mức phạt do hai bên tự thương lượng, thường không quá 30% giá trị trúng đấu giá.
Link bài viết
Các hình thức đấu giá
Tùy số lượng tham gia nên có hai hình thức đấu giá là đấu giá đơn (single auction), trong đó ít nhất một bên là thực thể đơn (một người mua hay một người bán đơn lẻ), và đấu giá đôi (double auction), trong đó nhiều người mua và nhiều người bán thực hiện các gói thầu và trả giá đồng thời cùng một lúc.
Theo mặt hàng đấu giá, người ta phân ra đấu giá trao đổi (gồm những người mua chuyên nghiệp giám sát lẫn nhau để không ai có thể “lừa lọc” được), đấu giá lẻ (dành cho tác phẩm nghệ thuật hay các món hàng riêng biệt) và đấu giá sỉ (dành cho bộ sưu tập).
Về cách thức đấu giá, có nhiều hình thức khác biệt sau đây:
Đấu giá kiểu Anh là hình thức được nhiều người biết đến nhất. Người tham gia trả giá công khai, giá đưa ra sau bao giờ cũng cao hơn giá đưa ra trước đó. Cuộc đấu giá kết thúc khi không ai đưa ra giá cao hơn hoặc khi đạt tới “giá trần”, người ra giá cao nhất sẽ được mua món hàng đó. Người bán có thể đặt ra giá sàn, nếu người điều khiển không thể nâng giá cao hơn mức sàn thì việc đấu giá có thể thất bại.
Một dạng khác là đấu giá kiểu Hà Lan. Trong một sàn đấu giá, người điều khiển ban đầu sẽ hô giá cao, rồi thấp dần cho tới khi có người mua chấp nhận mức giá đó hoặc chạm đến mức giá sàn dự định bán ra. Người mua sẽ mua món hàng với mức giá đưa ra cuối cùng.
Hình thức này đặc biệt hiệu quả khi cần đấu giá nhanh món hàng nào đó vì có những cuộc mua bán không cần đến lần trả giá thứ hai, như việc bán hoa tulip. Kiểu đấu giá này còn được sử dụng trong đấu giá trực tuyến, khi một số món hàng đồng nhất được bán đồng thời cho một số người cùng ra giá cao nhất.
Một hình thức đấu giá mở khác thường được sử dụng trong thị trường chứng khoán và trao đổi hàng hoá. Việc mua bán diễn ra trên sàn giao dịch và người giao dịch đưa ra giá bằng lời ngay tức thì. Giao dịch có thể đồng thời diễn ra ở nơi khác trong sàn mua bán. Hình thức này dần được thay thế bởi hình thức thương mại điện tử.
Đấu giá nhượng quyền là hình thức đấu giá có thời hạn hiệu lực dài, dành cho những sản phẩm có thể được tái bản như bản thu âm, phần mềm, công thức sản xuất dược phẩm... Người đấu giá đặt giá cao nhất có thể (có thể điều chỉnh hoặc rút lại), người bán có thể xem xét kết thúc cuộc đấu giá bất cứ lúc nào khi chọn được mức giá vừa ý. Thắng cuộc là những người đặt giá bằng hoặc cao hơn giá được chọn, sẽ nhận được phiên bản của sản phẩm.
Link bài viết
Khác hẳn với hình thức đấu giá mở là đấu giá kín. Đấu giá kín theo giá thứ nhất là nhiều người tham gia cùng đặt giá đồng thời, không ai biết giá của ai, người ra giá cao nhất là người được mua món hàng. Đấu giá kín theo giá thứ hai (đấu giá Vickrey) tương tự như đấu giá kín theo giá thứ nhất, tuy nhiên người thắng chỉ phải mua món hàng với mức giá cao thứ hai chứ không phải giá cao nhất mình đặt ra.
Đấu giá câm là một biến thể của đấu giá kín, thường dùng trong các cuộc đấu giá từ thiện, liên quan tới việc mua một tập hợp các món hàng giống nhau, người tham gia sẽ đặt giá vào một tờ giấy đặt kế món hàng, có thể được biết hoặc không được biết có bao nhiêu người tham gia và giá mà họ đưa ra. Người trả cao nhất sẽ mua món hàng với giá mình đã đặt.
Còn có đấu giá kiểu thầu, hay còn gọi là đấu thầu. Hình thức này tráo đổi vai trò người bán và người mua. Người mua đưa ra yêu cầu báo giá cho một loại hàng nào đó và các nhà cung cấp sẽ đưa ra giá thấp dần với mong muốn giành lấy gói thầu đó. Vào cuối buổi đấu giá, người ra giá thấp nhất sẽ thắng cuộc.
Đấu giá tổ hợp xảy ra trong một số trường hợp, khi sự định giá của người mua là một tập hợp các món hàng với số lượng và chủng loại khác nhau, gọi là tổ hợp. Chẳng hạn, nếu bánh xe đạp và khung xe được bán rời ra trong một cuộc đấu giá, thì đối với người ra giá một tổ hợp bao gồm một bánh xe hoặc một khung xe chẳng có giá trị gì, nhưng hai bánh xe và một khung xe thì lại đáng giá.
Nếu bị buộc phải mua từng phần trong từng cuộc đấu giá, người mua có thể không có được tổ hợp mong muốn. Tình thế này có thể được giải quyết bằng cách bán tất cả các món đồng thời và cho phép người mua đăng ký ra giá cho một tổ hợp các món hàng, nếu thắng thì có được tổ hợp, ngược lại sẽ không phải mua bất cứ món gì trong tổ hợp.