Thanh toán không dùng tiền mặt: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:18, 13/06/2019
Từ những điểm sáng về thanh toán điện tử
Cụ thể, phát biểu tại Hội thảo Banking Vietnam 2019 mới diễn ra với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc cho biết: Đến nay Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp ký cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm/dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện ích đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp; Hạ tầng thanh toán quốc gia đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2019 gấp 13 lần GDP, hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, tổ chức Trung gian thanh toán, tích hợp thêm các dịch vụ mới, hỗ trợ đắc lực hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại, giao thông, dịch vụ công.
Cùng đó, vấn đề an toàn bảo mật trong hoạt động của các hệ thống thanh toán luôn được đề cao, đặt ưu tiên hàng đầu; Các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ luôn được bảo vệ, đề cao nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của người dùng vào các phương tiện thanh toán điện tử
Cũng theo Phó Thống đốc, năm 2018 vừa qua đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch của thanh toán Internet, thanh toán di động so với năm 2017.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ , gia tăng trải nghiệm KH như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói..), thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Token), thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Những nhận định này cũng phần nào được thể hiện qua các số liệu do ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đưa ra: đến nay, đã có 76 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán di động áp dụng QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Cùng đó, đã có 30 đơn vị trung gian thanh toán được NHNN cấp phép.
Đến câu chuyện “nhận diện khách hàng” trong thời đại 4.0
Bên cạnh những con số lạc quan trên, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng với việc lấy khách hàng làm trung tâm; cũng như các tác động của công nghệ đến hoạt động nghiệp vụ của ngành Tài chính - Ngân hàng.
Có thể thấy, từ việc tiếp cận khách hàng, “nhận diện” họ để đề xuất các sản phẩm phù hợp... cho đến thiết kế các “điểm chạm khách hàng” trong thời đại công nghệ mới, hay đến việc tăng cường bảo mật, quản lý rủi ro hiệu quả... đều là những vấn đề mới chỉ được các ngân hàng “vỡ vạc” và từng bước triển khai.
Theo Phó Thống đốc, bối cảnh mới này của thời đại đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm - dịch vụ NH mới, dựa trên dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng... Qua đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ Nhận biết khách hàng (KYC)...
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nghiêm Thanh Sơn, chúng ta cần xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech, các mô hình thanh toán mới.
Cùng với đó là nghiên cứu, xây dựng phương án nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng; triển khai phương án thí điểm Mobile-Money sau khi Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia (IBPS) làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; Vận hành hệ thống bù trừ tự động (ACH) phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ vào 2019.
Yêu cầu các Ngân hàng Thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
Chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ tích cực, chủ động và nghiêm túc tổ chức triển khai lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa trên ATM/POS.
Bổ sung thêm vào những giải pháp này, chia sẻ bên lề Banking Vietnam 2019, nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Để có được những chính sách hiệu quả, cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện để phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như đánh giá việc triển khai thực hiện. Đó chính là việc thu thập và phân tích dữ liệu Big Data mà chúng ta vẫn nói ra rả bấy lâu nay, tiến tới phục vụ ứng dụng AI vào các hoạt động nghiệp vụ khác nhau của ngành Tài chính - Ngân hàng.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các công cụ phân tích, đo lường, giám sát, với sự phổ biến của các thiết bị di động cá nhân, các ngân hàng hoàn toàn có thể thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các nhóm khách hàng, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn/vùng sâu vùng xa - đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm và thanh toán. Thực tế cho thấy, quy mô tiết kiệm của người dân tại khu vực nông thôn rất nhỏ, trong khi mức độ tổn thương về tài chính lại cao, do hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết...