Tỷ lệ các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp đang phát triển
Sống khỏe - Ngày đăng : 01:21, 16/06/2019
Diễn đàn M-Care 2.0 quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế trên thế giới, sẽ cùng nhau bàn luận về các nghiên cứu khoa học mới nhất, cũng như các thiết bị y tế kỹ thuật số liên quan đến ba nhóm bệnh này. Chủ đề chính của hội thảo xoay quanh những nội dung cập nhật trong nghiên cứu lâm sàng và giới thiệu các công nghệ giúp phòng ngừa, chẩn đoán sớm, quản lý bệnh và chăm sóc bệnh nhân tốt nhất: ngăn ngừa đái tháo đường và chăm sóc bệnh nhân - y học và công nghệ; Quản lý bệnh tuyến giáp và vai trò của dịch vụ di động trong nhận thức bệnh; bệnh tim mạch, bảo vệ và vai trò của công nghệ trong việc cứu sống bệnh nhân.
Giáo Sư Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hiệp Hội Đái Tháo Đường và Nội Tiết Việt Nam, cho biết “Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ cao về bệnh đái tháo đường (5,5% dân số trong độ tuổi 20-79) và tiền đái tháo đường (13,7%); tuy nhiên, người Việt Nam lại thiếu nhận thức về bệnh và cách phòng ngừa bệnh. Chi phí điều trị bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007 và dự đoán sẽ tăng lên 1,1 tỷ USD vào năm 2025. Diễn đàn M-Care năm nay sẽ tạo cơ hội cho đội ngũ y tế Việt Nam cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh với những chuyên gia hàng đầu thế giới”.
Hiện nay, đái tháo đường đang trở thành vấn đề sức khỏe trọng tâm của cộng đồng cần được giải quyết từ nhiều hướng, từ cách phòng ngừa tới cách chăm sóc và gắn kết bệnh nhân. Nghiên cứu lâm sàng và công nghệ mới nhất sẽ được thảo luận và đánh giá để hiểu hơn về những lợi ích và giá trị mang đến cho bệnh nhân.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), số lượng người mắc bệnh đái tháo đường và tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới. Năm 2014, đã có 422 triệu người (chiếm 8,5% tổng dân số toàn cầu) mắc bệnh đái tháo đường, so với 108 triệu (4,7% dân số) vào năm 1980. Bệnh đái tháo đường có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Có 425 triệu người mắc bệnh trên thế giới và 159 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương; con số này sẽ tăng lên 183 triệu người vào năm 2025. Tại Viêt Nam, số lượng người mắc bệnh đái tháo đường là hơn 3.535.700 người vào năm 2017.
Tiên phong trong lĩnh vực dược và công nghệ dược, Merck đã chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho sự phát triển của ngành dược tại nhiều quốc gia và cung cấp các loại thuốc để điều trị bệnh đái tháo đường loại 2, bệnh tim mạch và tuyến giáp. Mỗi năm có khoảng 72 triệu bệnh nhân sử dụng sản phẩm dược của Merck để điều trị các bệnh nói trên.
Theo các chuyên gia, các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp… đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp (THA) là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn trưởng thành thì có 1 người THA. Hiện nay, có đến 14 triệu người THA. Trong khi đó, Việt Nam có tới 5 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ), ước tính cứ 20 người trưởng thành có 1 người mắc ĐTĐ. Tỷ lệ ĐTĐ tăng nhanh gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Ước tính năm 2015 ở Việt Nam có gần 53.500 trường hợp tử vong có liên quan đến ĐTĐ. Đây là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam.
Hiện nay, theo một con số thống kê chưa đầy đủ, trên toàn nước ta có khoảng trên 3,6 triệu người bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp vẫn còn cao. Cụ thể, khoảng 50% bệnh nhân THA không biết mình bị THA. Chỉ khoảng 30% những người THA được điều trị. Khoảng 10% những người THA được điều trị đạt huyết áp mục tiêu. Tỷ lệ người mắc ĐTĐ chưa được phát hiện năm 2012 là 63,6%. Tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Biến chứng của bệnh ĐTĐ đang ngày càng phức tạp, nặng nề và là nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh ĐTĐ. Tỷ lệ chẩn đoán sớm bệnh lý tuyến giáp mới chỉ khoảng 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị rất thấp, chỉ khoảng 10% bệnh nhân suy giáp và 24% bệnh nhân cường giáp trong số những bệnh nhân đã có chẩn đoán được điều trị.