Chứng quyền bảo đảm có dễ kiếm ăn?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:29, 20/06/2019
![]() |
Hiện tại, có 7 công ty chứng khoán là SSI, MBS, BSC, VPS, KIS, VNDS và HSC đã tung ra các chứng quyền bảo đảm dựa trên 6 mã cổ phiếu cơ sở là MBB, PNJ, HPG, MWG, FPT và VNM, với thời hạn từ 3-6 tháng.
Do hiện tại thị trường chỉ mới cung cấp chứng quyền mua, nên nếu phân tích vào tỷ lệ chuyển đổi (cho biết bao nhiêu chứng quyền cần có để được một chứng khoán cơ sở) và giá chứng quyền phát hành, dễ nhận thấy để đảm bảo người mua chứng quyền có lời thì giá cổ phiếu phải tăng tối thiểu 10%.
Cụ thể, khi lấy tỷ lệ chuyển đổi nhân với giá phát hành của các chứng quyền bảo đảm mới được triển khai, hầu hết đều tương đương với 10% hoặc cao hơn so với giá thực hiện. Mặc dù những cổ phiếu cơ sở được chọn để phát hành chứng quyền được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng, trong đó có cổ phiếu được các công ty chứng khoán định giá mục tiêu hợp lý có thể tăng vài chục % từ mức giá hiện tại, nhưng thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, để giá một cổ phiếu tăng hơn 10% trong vòng 3-6 tháng không phải là dễ.
Do đó, rất dễ xảy ra trường hợp dù trong tương lai giá của những cổ phiếu này vẫn có thể đạt được mục tiêu định giá, nhưng có thể phải mất một thời gian khá dài chứ không chỉ 3-6 tháng. Khi đó, những người mua chứng quyền trong thời hạn kể trên khó có thể đạt mức sinh lời như kỳ vọng hoặc thậm chí thua lỗ.
Dù vậy, do đây là đợt phát hành đầu tiên các chứng quyền, chủ yếu mang tính thử nghiệm, với khối lượng chỉ tầm vài tỷ đồng, do đó các nhà đầu tư đã nhanh chóng mua hết trên thị trường sơ cấp. Không loại trừ khả năng sau đó nhóm các nhà đầu tư này sẽ đẩy giá cổ phiếu trên thị trường cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để phân phối lại các chứng quyền trên thị trường thứ cấp nhằm chốt lãi nhanh.
Một điều lo ngại nữa là với quy mô còn quá nhỏ, không ít người lo ngại giá thanh toán có bị thao túng trong ngày thực hiện quyền hay không.
Theo quy định hiện tại, giá thanh toán sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam xác định và công bố dựa trên bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong 5 ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn, không bao gồm ngày đáo hạn. Do đó, nếu muốn thao túng thì các nhà tạo lập sẽ tìm cách đè giá trong 5 ngày này.
Tuy các công ty chứng khoán cho rằng mức lãi là không giới hạn còn lỗ tối đa chỉ bằng mức phí bỏ ra mua chứng quyền, nhưng cũng cần lưu ý, trong trường hợp mua cổ phiếu cơ sở thì khi giá cổ phiếu giảm, có thể lỗ vài % hoặc cao hơn nhưng không bao giờ mất trắng (ngoại trừ trường hợp công ty phá sản), trong khi nếu mua chứng quyền bảo đảm nếu để đến ngày đáo hạn, giá cổ phiếu nhỏ hơn giá thực hiện thì tỷ lệ lỗ là 100%.
Chính vì những rủi ro kể trên, giới chuyên gia cho rằng khơng nên xem chứng quyền là sản phẩm đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, mà chỉ nên xem là sản phẩm giao dịch và nếu thấy có lãi thì nên chốt ngay.
Bên cạnh đó, khi đến thời điểm đáo hạn, ngoài rủi ro liên quan đến giá cổ phiếu cơ sở biến động mạnh, còn có rủi ro về thuế tăng cao hơn cũng như tỷ lệ phòng vệ càng giảm khi gần đáo hạn. Thống kê từ thị trường quốc tế cũng cho thấy dù chứng quyền bảo đảm là sản phẩm thông dụng và phổ biến, nhưng có đến 90% nhà đầu tư bán trước thời điểm đáo hạn để tránh rủi ro.