Đã đến lúc các “triều đại” ở Hollywood “buông tay”
Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 21/06/2019
Sự thống trị của các “triều đại”
“Gia đình trị” đã là chủ đề trung tâm của Hollywood. Những gia đình như Warner (gồm các đồng sáng lập Harry, Albert, Sam và Jack Warner của Hãng Warner Brothers ra đời năm 1929) và Zanuck (Darryl F. Zanuck lập 20th Century Fox năm 1933) thường cạnh tranh gay gắt và chưa bao giờ từ bỏ “vương miện”.
Hàng chục năm qua, khắp Hollywood đều thấy người nhà Alan Ladd (diễn viên và nhà sản xuất nổi tiếng thập niên 1930-1960), Vincent Leonard Price Jr. (diễn viên đóng hơn 100 bộ phim từ năm 1935), Samuel Goldwyn (sáng lập Goldwyn Pictures Corporation từ 1916 và từ 1924 sáp nhập thành Metro-Goldwyn-Mayer, viết tắt MGM, từng là một trong ba hãng phim lớn nhất Hollywood) và Walt Disney (thành lập Disney Studio năm 1923).
Con cháu họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong các hãng phim, sử dụng sự hiểu biết và các mối quan hệ để thúc đẩy sự nghiệp, dù hiếm ai đạt được đẳng cấp như của cha ông. Những người khác bám víu lấy công việc mà người ta (gồm cả gia đình) biết họ phải được hơn thế. Ít người bị loại ra vì trong một Hollywood mang tính bè phái thì giữ cái tên bù nhìn trong bảng phát lương sẽ nhẹ nhàng hơn hẳn việc bị sa thải.
Trong trường hợp tốt nhất thì những người con trai (rất ít con gái) của những gia đình trên trở thành nhà sản xuất thành công, như Richard Zanuck (chỉ sau khi bị cha sa thải) với Driving Miss Daisy và The Sting được giải Oscar "Phim hay nhất"; hay nhà điều hành như John Goldwyn (con trai của Samuel Goldwyn)vốn là Nhà sản xuất, tư vấn điều hành nội dung kịch bản tại Discovery Channel, và Alan Ladd Jr (con trai của Alan Ladd) từng là Chủ tịch bộ phận phim của Fox, sản xuất Star Wars và Alien, Chủ tịch kiêm CEO của MGM-Pathé Communications.
Sự kiện Disney mua Fox được coi là thương vụ thế kỷ làm thay đổi diện mạo Hollywood |
Ngày tàn đã điểm?
Rất nhiều người đặt nghi vấn về tài năng của Sumner Redstone (Chủ tịch chuỗi nhà hát National Amusements và cổ đông lớn của CBS Corporation - tập đoàn truyền thông đại chúng ở Mỹ và Viacom - tập đoàn truyền thông lớn thứ tư thế giới vào năm 2010 sau Walt Disney, Time Warner và News Corporation) khi mua lại Paramount Pictures (thành lập năm 1912, hiện là một “ông lớn” ở Hollywood) với giá 10 tỷ USD vào năm 1994 và giành lấy hãng phim từ tay Barry Diller (doanh nhân người Mỹ trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình) rồi thuê các giám đốc điều hành tài năng để cùng chèo lái công việc. Dù sao Sumner Redstone đã đặt chân vào thế giới kinh doanh với một tầm nhìn rõ ràng, gầy dựng “đế chế” riêng từ chuỗi rạp phim khiêm tốn của cha.
Nhưng Shari Ellin Redstone (Phó chủ tịch của CBS Corporation và Viacom) - con gái Sumner Redstone, người tiếp quản công việc kinh doanh gần đây thì không như thế. Bà đã “gây chiến” với chính những nhà điều hành trong công ty, hòng cố sáp nhập CBS và Viacom nhưng vẫn chưa tìm ra cách có thể cạnh tranh với các đối thủ lắm tiền như Netflix, Amazon. Shari dành quá nhiều thời gian cho các cuộc chiến và gần như lãng quên việc tài trợ nguồn kinh phí đáng kể cho Paramount Pictures để có thể cạnh tranh với các hãng phim “khủng” khác. Kết quả, năm 2018, thị phần của Paramount không bằng 1/4 của Disney.
Không ai nghi ngờ tài năng của Rupert Murdoch khi là một doanh nhân có tầm nhìn xa, nhưng chưa nhân vật cấp cao nào tại Hollywood từng nhận xét tương tự về các con của ông. Điều này trở nên rõ ràng khi Disney mua lại hầu hết tài sản của Fox và không đưa James (con trai của Rupert Murdoch, cựu CEO của 21st Century Fox) vào vị trí cao nhất. Thay vào đó, Disney chọn Peter Rice sinh năm 1966 vào vị trí Chủ tịch Truyền hình Walt Disney và đồng Chủ tịch của Disney Media Networks. Riêng cô con gái Liz Murdoch có thể sẽ thành công, nếu dấn thân vào kinh doanh với Stacey Snider - cựu Chủ tịch Hãng Fox.
Dù hiện tại “đế chế” truyền thông của gia đình Murdoch vẫn còn rất lớn, nhưng có lẽ từ sâu trong thâm tâm, Rupert Murdoch tự ý thức rằng, không người con nào có được sự sắc bén cần thiết để theo sự nghiệp của ông. Và có lẽ đó là lý do ông đưa ra một quyết định gây “sốc”: bán hãng phim cho Disney với giá 71 tỷ USD. Bởi ông biết chúng sẽ an toàn hơn khi nằm trong tay Bob Iger - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Walt Disney từ năm 2000 đến nay. Chỉ tiếc rằng, Rupert đã đặt dấu chấm hết cho một hãng phim danh tiếng và Hollywood hiện chỉ còn 5 “ông lớn” thay vì 6 như hàng chục năm qua. Song cũng mừng là Rupert đã dạy cho Hollywood rằng, không có “triều đại” nào tồn tại mãi mãi, ngay cả những gia đình “khủng” nhất cuối cùng cũng có thể nhường lại quyền lực.
(theo Hollywood Reporter)