Bắc Kinh: Mỹ - Trung nên thỏa hiệp và nhượng bộ nhau trong đàm phán thương mại
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 25/06/2019
Trước đó, trên một dòng tweet vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có một “cuộc gặp mở rộng” bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 28-29/6/2019 tại Nhật Bản, sau khi cả hai đã có cuộc điện đàm “rất tốt đẹp”.
Đồng thời, cả hai bên cũng đang chuẩn bị nối lại vòng đàm phán thương mại song phương sau thời gian đình trệ từ tháng 5/2019.
Theo hãng tin Reuters, nhiều thị trường tài chính kỳ vọng cuộc gặp sắp tới tại Osaka của ông Tập và ông Trump sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - yếu tố đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua.
Phát biểu tại một buổi họp báo về Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Wang - vốn là một thành viên trong đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ - nói, đối thoại giữa hai nước đã được nối lại. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ thông tin chi tiết.
Vị Thứ trưởng cho biết, các nguyên tắc của Trung Quốc rất rõ ràng, đó là sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, và gặp nhau ở điểm giữa.
“Tôn trọng lẫn nhau có nghĩa là mỗi bên phải tôn trọng chủ quyền của người còn lại. Bình đẳng và đôi bên cùng có lợi có nghĩa là việc tham vấn phải tiến hành dựa trên cơ sở bình đẳng, và thỏa thuận được thống nhất cần phải mang đến lợi ích cho cả hai bên. Còn gặp nhau ở điểm giữa có nghĩa là cả hai đều phải thoả hiệp và nhượng bộ, chứ không phải chỉ một bên” - ông Wang nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể ông Tập sẽ thỏa hiệp những gì để đạt thỏa thuận thương mại với ông Trump, ông Wang đã từ chối trả lời.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jun cũng cho biết tại họp báo rằng, đoàn đàm phán của cả hai bên đang thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump, song không nói cụ thể.
Theo ông Wang, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng đã làm thương mại toàn cầu suy yếu, và đặt ra nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chen Yulu cảnh báo, rủi ro kinh tế và tài chính toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ.
“Các dấu hiệu của việc đảo ngược chính sách tiền tệ tại những quốc gia đã phát triển chủ chốt đang trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời, dư địa chính sách ở nhiều nước sau khủng hoảng tài chính đã giảm xuống, và dư địa dành ứng phó với một đợt giảm tốc tăng trưởng kinh tế mạnh khá hạn chế” - ông Chen phát biểu tại buổi họp báo.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát đi tín hiệu cho thấy, đợt hạ lãi suất tiếp theo có thể sẽ diễn ra ngay trong tháng 7, nhằm ứng phó với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ làm tăng sức ép phải nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại lên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Một vấn đề khác cũng được nêu ra tại họp báo là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn công nghệ Huawei. Theo ông Wang, trong cuộc điện đàm tuần trước với ông Trump, ông Tập đã bày tỏ hy vọng rằng, Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.
“Trên tinh thần thương mại tự do và của Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể gỡ bỏ các biện pháp đơn phương, không phù hợp nhắm vào các công ty Trung Quốc”.