Ông Park được nhiều từ bóng đá Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 05:15, 26/06/2019
VFF phải “tạc tượng” HLV Park?
Kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 11/10/2017, chỉ trong 1 năm 8 tháng, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã đưa bóng đá Việt Nam (BĐVN) đến nhiều thành công. Đầu tiên là kỳ tích á quân U.23 châu Á 2018, tiếp nối là lần đầu tiên vào bán kết ASIAD, rồi vô địch AFF Cup sau một thập kỷ chờ đợi và vào tứ kết Asian Cup 2019 (top 8 đội mạnh nhất châu Á). Đặc biệt, “sướng” nhất với người hâm mộ là BĐVN đã “bước qua lời nguyền” mang tên Thái Lan khi cả 3 lần đối đầu đều đánh bại người Thái ở cả cấp độ U.23 và đội tuyển quốc gia, mà mới nhất là tại King’s Cup 2019 ngay trên xứ chùa vàng. Từ hạng 120 thế giới khi ông Park mới đến, đội tuyển Việt Nam đã thăng tiến 24 bậc trên bảng xếp hạng FIFA, lên hạng 96 thế giới, thứ 15 châu Á, bỏ đội thứ nhì Đông Nam Á Thái Lan đến 20 bậc.
Bên cạnh năng lực chuyên môn, tài cầm quân, dụng nhân, có thể nói BĐVN đã may mắn có được một ông thầy quá mát tay và rất phù hợp về cả văn hóa, tính cách “đối nhân xử thế”. Trong đó được lợi lớn nhất hẳn nhiên là VFF. Với những thành công nức lòng liên tiếp dưới thời HLV Park, dư luận cũng “quên” mất, thôi chĩa mũi dùi chỉ trích những vấn đề yếu kém của tổ chức này. Nếu HLV Park Hang-seo kết thúc bản hợp đồng nhiệm kỳ đầu tiên bằng tấm HCV SEA Games, hoàn thành giấc mộng “60 năm cuộc đời” vào cuối năm nay, có lẽ VFF phải tạc tượng ông đặt trong khuôn viên trụ sở của mình. Do đó việc giữ chân ông Park bằng khoản đãi ngộ xứng đáng là tất yếu.
Ông Park được nhiều từ BĐVN
Không có con số cụ thể nên khó đong đếm nhưng cái “được” ấy chắc chắn là không nhỏ. Cần biết rằng ngoài “kỷ niệm” từng là trợ lý cho HLV Guus Hiddink đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002, đỉnh cao sự nghiệp cầm quân của ông Park Hang-seo chỉ là HLV trưởng đội Olympic Hàn Quốc dự ASIAD Busan 2002, nhưng tấm huy chương đồng trên sân nhà khi ấy được coi là một thất bại. Trước khi có chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Việt Nam, ông Park trải qua 15 năm chìm khuất với các câu lạc bộ trung bình trong nước. Thậm chí từ một bức ảnh tình cờ chộp được, truyền thông xứ kim chi còn đặt cho ông biệt danh “Sleeping One” (ngài ngủ gật). Sau chức vô địch AFF Cup 2018, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam từng trải lòng với một tờ báo ở quê hương: “Ở Hàn Quốc, tôi không có cơ hội trở lại những ngày tháng vinh quang của mình. Sân khấu chuyên nghiệp hầu như đã đóng sập cửa với tôi. Đó là cả một quá khứ đau lòng. Tôi cũng đã gõ cửa rất nhiều đội bóng Trung Quốc, và cơ hội của tôi ở đấy cũng bằng không nốt”.
Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ông nhận lời VFF và “bầu” Đức với bản hợp đồng mà mức lương chỉ 20.000 USD. “Ngày tôi đặt chân đến Việt Nam, phản ứng đầu tiên của dư luận là không tốt. Trọng tâm đặt vào tôi là sự thất bại thay vì thành công, nhiều ánh mắt nghi ngại nhìn vào tôi, hơn là sự chào đón”, ông Park thừa nhận.
Thế mà cùng với BĐVN, ở tuổi lục tuần, ông Park “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Báo chí Hàn Quốc không chỉ quay ngoắt thái độ, săn đón mà còn tôn vinh ông bằng giải thưởng “Nhân vật của năm 2018”. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân trong chuyến thăm chính thức VN tháng 3/2018 đã đích thân đến thăm, chúc mừng và coi ông Park là biểu tượng, sứ giả cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Với dãi đất hình chữ S, đi đến đâu ông Park cũng nhận được sự yêu mến, tiếp đón nồng nhiệt. Hiếm có một HLV nước ngoài nào trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn được thủ tướng tiếp kiến đến 3 lần. Tình cảm này lớn đến mức bản thân ông thầy Hàn Quốc cũng choáng ngợp: “Đôi khi tôi cảm giác xấu hổ và sợ hãi khi bỗng nhiên một tình yêu to lớn dành cho mình đột nhiên xuất hiện. Trong cuộc đời, tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Cơ hội đến với Việt Nam là một phép lạ”.
Từ “ngài ngủ gật”, cái tên Park Hang-seo đã trở thành người hùng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Và là niềm tự hào, hình mẫu của một người con xứ Hàn thành đạt rực rỡ ở nước ngoài. Nếu không có cơ duyên với BĐVN, ông Park sẽ chẳng có những điều này. Kèm với danh tiếng, thương hiệu HLV Park cũng tăng lên gấp bội. Ngoài những khoản thưởng “nóng” chung cùng các học trò sau mỗi chiến tích, HLV trưởng còn được các doanh nghiệp Việt Nam tặng xe, căn hộ (một doanh nghiệp còn thưởng hẳn 100.000 USD “tiền tươi thóc thật” mà ông Park đã trao lại cho Quỹ bóng đá trẻ của VFF). Chưa kể những nguồn thu từ khai thác hình ảnh cá nhân khi ông Park thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo của các nhãn hiệu nổi tiếng cả ở Việt Nam và Hàn Quốc.
Liệu bắt đầu lại từ đầu ở một môi trường mới, HLV Park Hang-seo có nhận được những điều đó? Tài năng của nhà cầm quân Hàn Quốc là điều không phải bàn cãi nhưng “có bột mới gột nên hồ”, liệu ông có may mắn được sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, đúng vào thời điểm đồng loạt vào độ chín? Hơn ai hết ông Park hiểu điều này: “Tôi được người dân Việt Nam yêu quý. Hiện tại, tôi và gia đình rất hạnh phúc khi ở Việt Nam”.
Cho nên không việc gì phải quá lo lắng, ồn ào với câu chuyện tái ký hợp đồng của ông Park. Tất nhiên, giá trị bản hợp đồng mới phải xứng đáng với khả năng của nhà cầm quân Hàn Quốc, nhưng nâng lên cỡ nào chứ không thể là “vô giá” như có phát biểu cao hứng nào đó. Nó phải trong khả năng chi trả của chúng ta và phù hợp với mặt bằng chung, hài hòa quyền lợi đôi bên.