Thị trường thịt heo giảm 30%
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 03:39, 28/06/2019
![]() |
Nhu cầu tăng, nguồn cung giảm
Nhìn lại năm 2017, thị trường chăn nuôi heo Việt Nam chứng kiến đợt rớt giá heo hơi thê thảm do khủng hoảng thừa thịt heo lên tới 30% so với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Cụ thể vào tháng 4/2017, giá heo hơi sụt giảm chạm mức thấp nhất với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Để dẫn đến tình trạng nói trên, Ipsos Business Consulting nhận định nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng nhanh của nguồn cung cộng với việc thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua heo theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Chính phủ Trung Quốc.
Chưa kịp khởi sắc, cuộc khủng hoảng năm 2017, thị trường chăn nuôi heo Việt Nam đã lại một lần nữa phải đối mặt với liên tiếp những biến động do dịch lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi (ASF) gây ra. Bùng phát từ tháng 2/2019, ASF hiện vẫn diễn biến một cách phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Tính đến ngày 24/6/2019, ASF đã xuất hiện trên khoảng 60 tỉnh, thành phố khắp cả nước, với ước tính hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy. Đây là chính là nguyên nhân ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến cán cân cung cầu thịt heo trên thị trường.
Về nguồn cung thịt heo, Ipsos Business Consulting ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp.
Song song với sự giảm mạnh về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng phần nào bị suy giảm. Trước tình hình dịch bệnh khó kiểm soát và ngày càng lan rộng, nhiều người tiêu dùng vì mang tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe đã quyết định cắt giảm tiêu thụ thịt heo tạm thời. Theo đó, nhiều gia đình đã chọn cách thay đổi cơ cấu bữa ăn; các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp cũng tìm cách thay thế thịt lợn bằng thịt gia cầm, gia súc khác nhằm hạn chế tác động có hại của dịch bệnh.
Từ các số liệu nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo ý kiến chuyên gia, Ipsos Business Consulting dự đoán, tính đến thời điểm cuối năm 2019 cho đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu, do những ảnh hưởng nặng nề của ASF lên nguồn cung thị trường. Như vậy tuy nhu cầu có giảm theo thời điểm nhưng do nguồn cung giảm mạnh hơn nên dự đoán là cung sẽ vẫn không đủ cầu.
Tương tự như tác động của cuộc khủng hoảng thừa năm 2017, diễn biến phức tạp của dịch tả châu Phi đã gây ra những hệ quả không nhỏ cho thị trường chăn nuôi heo Việt Nam theo chiều hướng ngược lại, nhưng cũng đồng thời mở ra hướng đi mới cho thị trường này.
Sự giảm mạnh đàn nái của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và xu hướng chuyển dịch sang mô hình trang trại chăn nuôi khép kín đưa ra một câu hỏi lớn trong việc tái cơ cấu quy hoạch ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Ipsos Business Consulting dự đoán đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.
Đây là một cơ hội cho bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đưa ra quy hoạch chăn nuôi theo vùng, vừa kiểm soát các vấn đề môi trường vừa giảm thiểu rủi ro nếu có các dịch bệnh tương lai có thể xảy ra, cùng lúc tạo ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và kiểm soát ngành chăn nuôi heo. Thực tế cho thấy việc phải lập ra các chốt kiểm soát dịch trên đường và thực hiện khử trùng tại các trang trại đơn lẻ khi nổ dịch cho thấy việc kiểm soát dịch vẫn còn có nhiều lúng túng và bị động. Khi có chăn nuôi theo vùng, các kiểm soát khi có dịch sẽ diễn ra một cách có hệ thống và dễ dàng hơn.
Kinh nghiệm từ phía Trung Quốc cho thấy sẽ mất khoảng 1-2 năm khi tái quy hoạch chăn nuôi heo, học hỏi từ các kinh nghiệm này Việt Nam có thể làm tốt hơn và chuẩn bị sẵn nguồn cung thịt để chuẩn bi tái cơ cấu, tránh các hệ lụy đáng tiếc. Bên cạnh đó, thói quen tiêu thụ thịt nóng và cách tổ chức chuỗi cung ứng theo hướng cung ứng thịt nóng đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm
Theo ông Quách Thế Phong - Giám đốc tư vấn Ipsos, việc không thể tồn kho mặt hàng thịt đang gây ra nhiều bất cập khi cần thiết phải thực hiện điều chỉnh trong giai đoạn khủng hoảng. Chính phủ và các bộ ngành cần có từng bước hoạch định và triển khai chuỗi cung ứng động lạnh, điều này vừa tạo ra khoảng đệm cần thiết để đối phó với khủng hoảng, vừa mở ra thêm cơ hội cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc đưa ra các bộ tiêu chuẩn về an toàn sinh học, thắt chặt các quy định về mở trại mới cũng là việc cần thiết để đảm bảo sự bền vững và vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam. Để đạt được hiệu quả cao nhất, các vấn đề cần triển khai đồng bộ với quy hoạch chăn nuôi mới.
Nhập khẩu tăng
Từ mối lo ngại của người tiêu dùng về sự an toàn của nguồn thịt heo trong nước đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt heo nhập khẩu tăng cao. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam đã tăng vọt trong 4 tháng gần đây. Cụ thể, nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Pháp...
Dựa trên dự đoán nguồn cung thịt heo sẽ thiếu hụt tạm thời vào cuối năm 2019, Ipsos Business Consulting cũng nhận định giá bán lẻ thịt heo trên thị trường hiện đã có dấu hiệu phục hồi và sẽ tăng lên trong thời gian tới. Điều này dự đoán sẽ ảnh hưởng đến CPI cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Ảnh hưởng của dịch tả châu Phi đã khiến sức mua các loại thịt gia cầm và gia súc thay thế như gà và bò tăng lên. Cụ thể, tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, một bộ phận người tiêu dùng đã giảm tỷ trọng thịt heo trong bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, trong xu thế nền kinh tế phát triển, mức sống người dân được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ thịt nói chung và thịt heo nói riêng cũng đang ngày càng tăng nhanh.
Sau những biến động của ngành chăn nuôi, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác và khó tính hơn trong việc lựa chọn thịt heo. Do đó, các sản phẩm thịt heo thương hiệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và an toàn hiện đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thịt heo đầu tư mạnh vào các sản phẩm thịt heo thương hiệu và các kênh bán hàng đáng tin cậy nhằm thực hiện chiến lược xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Tuy chỉ chiếm chưa tới 5% trong trong tổng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2018, tỷ trọng của nhóm mặt hàng thịt heo có thương hiệu đã đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Có thể nói, thị trường thịt heo thương hiệu tại Việt Nam tuy là miếng bánh nhỏ tại thời điểm này nhưng lại vô cùng tiềm năng trong những năm tới. Một vài ông lớn đã nhanh chóng bước chân vào thị trường mới nổi này có thể kể đến như CP, Masan hay Greenfeed sẽ góp phần làm giảm những ảnh hưởng do biến động của thị trường chăn nuôi lên thị trường tiêu thụ thịt heo.
Theo thông tin từ Masan Nutri Science (MNS), trong năm 2018, ngành chăn nuôi heo trong nước đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá heo đi xuống, dẫn đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi không thực sự hiệu quả và Masan Nutri Science (MNS) cũng không ngoại lệ.
Dự kiến khi giá heo hồi phục ổn định, doanh thu đơn vị này tăng 20-30% trong năm 2019. Cụ thể, năm 2019, ban lãnh đạo Masan Nutri Science dự kiến thị trường thức ăn chăn nuôi cho heo tăng trưởng 10-15%, trong bối cảnh hộ chăn nuôi tái đàn sau khi giá heo hơi đã đi vào chu kỳ ổn định ở mức 45.000 đồng/kg trong hai quý vừa qua.
Trong quý IV/2018, MNS đã tung nhãn hiệu MEATDeli nhằm thỏa mãn nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng cho sản phẩm thịt sạch và an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm được chế biến và đóng gói tại tổ hợp chế biến thịt Hà Nam với dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty dự kiến sẽ mở rộng kênh phân phối để đạt mục tiêu 5-10% thị phần Hà Nội đến cuối năm 2019. Với việc tung nhãn hiệu MEATDeli, MNS đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỷ USD.