Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op: Thương hiệu Auchan sẽ được giữ đến tháng 2/2020
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 05:24, 28/06/2019
![]() |
* Tối ngày 27/6, hệ thống bán lẻ Auchan đã chính thức thuộc về Saigon Co.op thông qua một thương vụ rất đặc biệt. Ông có thể chia sẻ cụ thể về thương vụ này?
- Thương vụ này đã thương thảo hơn một tháng. Đây là sự hợp tác cấp cao giữa hai thương hiệu, trong đó là một thương hiệu tầm cỡ thế giới và một thương hiệu thuần Việt. Chúng tôi xác định đây không phải là một thương vụ mua bán bình thường, vì giá giá bỏ thầu của chúng tôi thấp hơn doanh nghiệp bỏ thầu cao nhất đến 20%.
Đối tác đánh giá cao về năng lực, uy tín của Saigon Co.op và đặt niềm tin vào nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Auchan là thương hiệu của một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp, với kinh nghiệm quản lý quốc tế và quy mô như vậy, khi chuyển giao hệ thống cho Saigon Co.op, đối tác đã cân nhắc rất kỹ về kinh nghiệm, uy tín của Saigon Co.op.
Việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm của Saigon Co.op đối với người tiêu dùng Việt Nam. Sự tin tưởng chuyển giao của Auchan cho Saigon Co.op và những cơ hội hợp tác khác thông qua mối quan hệ sâu sắc này cũng thể hiện sự chuẩn mực phát triển của Saigon Co.op.
* Được biết, trước đây Saigon Co.op từng tham gia đấu thầu mua hệ thống bán lẻ Big C của Tập đoàn Casino nhưng đã thất bại vì vướng các quy định. Làm thế nào để Saigon Co.op đạt được thỏa thuận với đối tác khi đây cũng là một doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài?
- Câu chuyện Big C khác Auchan. Đơn vị sở hữu Big C là một công ty được đặt ở Hồng Kông nên phải thanh toán bằng đồng USD. Hơn nữa, thương vụ này có giá rất lớn (Central Group mua Big C với giá đến 1,1 tỷ USD). Theo Luật, muốn mua USD chuyển ra nước ngoài, chúng tôi phải xin phép Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… và phải thông qua Quốc hội. Điều này khiến cho quá trình thương thảo kéo dài và chúng tôi đã không thành công.
Thương vụ Auchan cũng có giá trị lớn nhưng vì thanh toán trong nước, không phải chuyển tiền ra nước ngoài, lại được thanh toán bằng tiền đồng nên thuận lợi cho Saigon Co.op.
* Cụ thể, giá trị chuyển nhượng Auchan lớn đến mức nào?
- Đây là một điều khoản bảo mật, chúng tôi không thể công bố. Tuy nhiên, đây là con số không nhỏ. Điều chúng tôi muốn nói là giá mà chúng tôi đưa ra thấp hơn đơn vị bỏ giá cao nhất đến 20% giá trị của hợp đồng. Đó là nhờ uy tín và cách thương thảo của Saigon Co.op.
* Sau thương vụ này, Saigon Co.op sẽ tiếp quản hệ thống Auchan như thế nào?
- Từ đây cho đến tháng 2/2020, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động Auchan tại Việt Nam gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan. Hơn 200.000 khách hàng thành viên của Auchan cũng sẽ được chuyển đổi sang chương trình Khách hàng thân thiết của Saigon Co.op.
Những cửa hàng Auchan tại TP.HCM, Hà Nội và Tây Ninh đã đóng cửa sẽ được chọn lọc để khai trương lại với những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.
Riêng ba siêu thị Auchan đang hoạt động (hai siêu thị tại quận 7 và một siêu thị tại quận 1, TP.HCM) sẽ được Saigon Co.op tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020. Việc có tiếp tục giữ thương hiệu Auchan hay không sau tháng 2/2020 sẽ quyết định.
* Chiến lược sắp tới của Saigon Co.op sau thương vụ này như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi vẫn giữ nguyên chiến lược xây dựng Saigon Co.op thành bạn của mọi nhà, tận tâm phục vụ. Saigon Co.op vẫn là cái nôi của hàng Việt Nam chất lượng cao.
Với sự tham gia này, hệ thống phân phối sẽ được mở rộng ra thêm. Và từ đây đến tháng 2/2020, chúng tôi sẽ cử cán bộ chủ chốt sang chuỗi bán lẻ Auchan để được tư vấn về quản trị của đối tác.
![]() |
Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op ký kết với lãnh đạo Tập đoàn Auchan |
* Thương vụ này có thể khẳng định rằng: các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ năng lực để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài?
- Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và là một trong những chuỗi siêu thị hoạt động hiệu quả nhất hiện nay tại Việt Nam.
Hạn chế lớn nhất của Saigon Co.op và cũng là các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là tiềm lực tài chính. Về lâu về dài, đó là một trong những hạn chế mà chúng tôi sẽ phải tháo gỡ.
Tôi muốn nói rằng, không có doanh nghiệp nào chiếm ưu thế tuyệt đối cả. Doanh nghiệp nước ngoài có thể có thế mạnh về tài chính vì họ tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên, để am hiểu được người tiêu dùng Việt Nam, chắc chắn sẽ không bằng Saigon Co.op. Thế mạnh lớn nhất của chúng tôi là am hiểu thị trường Việt Nam, am hiểu người tiêu dùng Việt Nam và có cung cách phục vụ tận tâm. Đội ngũ nhân sự của Saigon Co.op rất tâm huyết, giỏi nghề.
Tôi tin rằng, mọi doanh nghiệp chứ không chỉ riêng Saigon Co.op đều có những ưu thế và hạn chế của mình. Vấn đề là phát huy được ưu thế và hạn chế được những hạn chế của mình như thế nào mà thôi. Như vậy, mình sẽ không ngại khi cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.
* Theo ông, ngành bán lẻ sẽ tiếp tục hoạt động M&A?
- Đây là xu hướng chung của tất cả các ngành chứ không riêng ngành bán lẻ. Và tôi nghĩ hoạt động này sẽ tiếp tục sôi động trong nhiều năm tới.
M&A là một trong những công cụ phát triển thị trường của những doanh nghiệp lớn và chúng tôi cũng không đứng ngoài xu hướng này. Cụ thể diễn biến như thế nào phải chờ trong tương lai.
* Xin cảm ơn ông!