Ai bảo không đi nghĩa là dừng lại
Thư giãn - Ngày đăng : 04:04, 29/06/2019
Chỉ muốn rong chơi và quên đi hết tháng ngày… Sau cả năm trời nằm an dưỡng ở Sài Gòn như ở nhà dưỡng lão, lại khao khát đi, khao khát rong chơi chẳng băn khoăn gì, cứ hào sảng đi, cuộc đời quá ngắn mà.
Đã xa lắm rồi những ngày lang thang giang hồ vặt, balô trên vai, tiền thì ít mà khát vọng tràn đầy. Cái thời xăng 92 chỉ bán có hơn 5.000 đồng một lít (tức là khoảng 1/4 so với thời giá bây giờ), chạy Sơn La về Hà Nội chẳng hết 50.000 tiền xăng. Cái thời lận lưng tí tiền là đã có thể vi vu Tây Bắc cả tuần, vô lo vô nghĩ! Giờ hơn ba mươi tuổi đầu, vợ con chưa có mà đã lụ khụ như một lão già bất đắc chí, đầu đầy tư duy “âm lịch”.
Lại nhớ, có lần chat với một bạn, trêu bạn là mình đã mua 100 quyển sách, cứ nằm nhà đọc từ giờ đến hết năm chẳng thèm làm gì nữa, bạn “la lối” ầm ĩ. Thực ra cũng định thế thật, từ nay đến cuối năm đọc bù cho từ đầu năm đến giờ, chả đọc được cái gì ra ngô ra khoai, bạn bè hỏi quyển gì cũng ngơ ngơ.
Tại sao phải đọc sách mà không phải đi? Bởi cái chân nó mỏi, cái ví nó mòn, cái ý chí nó mệt. Đọc sách cũng là một cuộc chu du của tư duy và tưởng tượng. Mình thích sách, bởi sách đem đến những kiến thức mà cuộc sống không thể đem lại, hoặc không có điều kiện đem lại. Sách là ông già thông thái gần gũi, là người bạn để dựa vào lúc vui buồn. Ngay cả những quyển truyện dã sử mà dân gian thường gọi là truyện chưởng - mà trong lòng ngầm coi là thứ sách giải trí tầm thường, đọc để giết thời gian chứ không tư duy gì ráo. Ấy thế mà, nó cũng đọng, cũng ngấm vào mình nhiều lắm. Nhiều đêm đọc truyện chưởng, thấy những anh hùng hào kiệt vào quán gọi gà cả con, rượu cả vò, tay xé thịt, tay dốc vò, để rượu chảy tràn qua hai khóe miệng… thấy hào sảng làm sao, lại muốn xách xe ra đường.
Nhiều đêm đọc truyện, lại thấy nhớ ông già người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn, vai mang vò rượu, vừa đi vừa hát vừa uống, leo thoăn thoắt lên đỉnh có những cự thạch của các thủ lĩnh người Nùng xưa, bỏ mặc đám thanh niên kém đến nửa thế kỷ tuổi thở hồng hộc “bò” đằng sau. Mình vẫn còn giữ được con dao ông dùng để phát đường lên. Nó gỉ rồi. Gỉ như chính những đam mê giang hồ của mình vậy.
Nhiều đêm đọc truyện, lại nhớ em Huế ở Nghĩa Lộ, mắt dao cau lúng liếng hát mời rượu: Rượu đây em mời - Uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm - Rượu ngon, một chén như là ngàn chén - Uống đã ba năm miệng vẫn còn thơm - Thơm tình em.
Nhiều đêm đọc truyện, nhớ ông anh họa sĩ quê Hải Dương, cả đời nghệ thuật ám ảnh quê nghèo, ám ảnh miền Tây của Tổ quốc, nơi những cô gái lớn lên chỉ nhăm nhăm lấy chồng ngoại quốc, giúp ba má thoát nghèo…
Đọc sách để gặp lại những bước chân của mình. Đọc sách để luôn thấy con người quá bé nhỏ. Mỗi lần đọc xong, lại cuồng lên khao khát khởi hành. Khoác ba lô lên vai mà đi, mà chiêm nghiệm, mà thấy yêu quý và nâng niu hơn từng giây phút của cuộc đời.
Ai bảo không đi nghĩa là dừng lại?