G20: Mỹ - Trung tạm đình chiến, nhất trí nối lại đàm phán thương mại

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 30/06/2019

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại song phương.
G20: Mỹ - Trung tạm đình chiến, nhất trí nối lại đàm phán thương mại

Các quan chức Washington mô tả cuộc gặp lần này là cơ hội để hai bên hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau. Trong khi thảo luận, Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận thương mại lịch sử, song không nói khi nào hay bằng cách nào. Về phần mình, ông Tập cho rằng cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ hưởng lợi từ sự hợp tác và thất bại nếu cả hai đối đầu.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, cuộc gặp được mong đợi nhất giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra trong khoảng 80 phút. Bên cạnh nối lại đàm phán thương mại song phương, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cho biết sẽ không áp thêm thuế nhập khẩu bổ sung lên hàng hoá của nhau trong thời điểm hiện tại.

Theo đó, ông Trump nói, dù không gỡ bỏ mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, nhưng Washington sẽ không áp thuế bổ sung áp lên 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc như những lời đe doạ gần đây. “Chúng tôi sẽ hoãn tăng thuế và họ sẽ mua nông sản của chúng tôi. Nếu đạt được thoả thuận, đó sẽ là một sự kiện lịch sử”, ông Trump nói.

Về kết quả của cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý "tái khởi động tham vấn thương mại giữa hai quốc gia dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".

Phát biểu sau cuộc gặp, ông Trump nói: "Chúng tôi đã trở lại đúng hướng. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra". Đồng thời, ông Trump cho biết cuộc gặp đã diễn ra tốt nhất có thể, và đàm phán sẽ được nối lại, theo hãng tin CNBC.

Về vấn đề Huawei, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết đã thảo luận với Chủ tịch Tập; và vấn đề này sẽ được giải quyết đầy đủ hơn ở một cuộc gặp sau.

Tuy nhiên, ông Trump cho biết, Huawei sẽ được mua một số sản phẩm từ các nhà cung cấp Mỹ. "Các công ty Mỹ có thể bán sản phẩm cho Huawei. Chúng tôi đang nói đến những thiết bị không gây ảnh hưởng to tát đến đến an ninh quốc gia" - ông Trump nói.

Trong một diễn biến khác, nhiều công ty Mỹ trước đó đã lợi dụng một số quy định về việc dán nhãn hàng sản xuất, để có thể nối lại việc bán sản phẩm cho Huawei cách đây không lâu, bất chấp lệnh cấm giao dịch với tập đoàn Trung Quốc này của chính quyền Trump trước đó.

Dù chính quyền Mỹ đã biết về các thương vụ "lách luật" này, song giới chức Washington vẫn chưa thống nhất đưa ra cách xử trí, cho đến tận khi có tuyên bố của ông Trump tại G20 vừa qua.

Và, với kết quả tích cực từ cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20, nỗi lo về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào một cuộc chiến tranh lạnh đã ít nhiều giải toả; đồng thời, thị trường tài chính toàn cầu được dự báo sẽ trở lại khởi sắc trong các phiên giao dịch tuần tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, thời gian đình chiến có thể sẽ không kéo dài, và vẫn chưa rõ liệu hai bên có thể vượt qua những bất đồng đã dẫn đến sự sụp đổ của các cuộc đàm phán trong thời gian qua hay không. 

“Dù đình chiến bắt đầu từ cuối tuần này nhưng khả năng sụp đổ đối thoại vì leo thang căng thẳng vẫn có thể xảy ra”, hãng nghiên cứu Capital Economics viết trong một đánh giá.

"Nối lại bàn đàm phán là một tin tốt đối với cộng đồng kinh doanh, và mang đến một chút chắc chắn rất cần thiết cho mối quan hệ đang dần xấu đi giữa hai nước. Giờ phần khó khăn là tìm ra sự đồng thuận trong những vấn đề khó khăn nhất trong mối quan hệ; song với lời cam kết từ cấp cao nhất, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ bước vào một con đường bền vững, cùng đi tới giải pháp"- ông Jacob Parker - Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, nhận xét.

Theo CNBC, cuộc gặp Mỹ - Trung lần này giữa được xem là có ý nghĩa quan trọng với kinh tế toàn cầu, khi thương chiến giữa hai nước đã đe dọa gây gián đoạn nền kinh tế của nhiều quốc gia và làm xáo trộn các chuỗi cung ứng quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới đây cũng cảnh báo, nếu Mỹ và Trung Quốc áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau, thì GDP toàn cầu có thể thiệt hại 0,5% trong năm 2020.

Khởi Vũ