Bosch Việt Nam rót 100 triệu USD để mở rộng nhà máy trong 5 năm tới
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:06, 05/07/2019
Thông tin này vừa được Bosch thông báo tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô Bosch tại Việt Nam. Thành lập vào năm 2014 với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD (17 triệu Euro), cho đến nay, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có hơn 70 kỹ sư, chuyên phát triển các công nghệ, sản phẩm và giải pháp sáng tạo dành cho ô tô cho thị trường trong nước và quốc tế.
Ban đầu tập trung vào nghiên cứu các công nghệ ô tô cũng như phát triển hơn nữa kỹ năng từ nguồn nhân lực lao động của công ty tại Việt Nam, Trung tâm R&D đã mở rộng phạm vi của mình để trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc phát triển sản phẩm linh kiện điện tử dùng trong ứng dụng hệ thống an toàn chủ động và hệ thống điều khiển động cơ. Ngoài việc thúc đẩy các tiến bộ công nghệ cho hai nhà máy sản xuất ô tô của Bosch tại Thái Lan và Đức, Trung tâm cũng đã bắt đầu hợp tác phát triển với các địa điểm tương tự khác của Bosch tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.
Năm 2018, Bosch tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số về doanh số bán hàng. Theo ông Guru Mallikarjuna, kết quả này đến từ việc cải tiến sản xuất và nghiên cứu phát triển, đồng thời từ mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ và giải pháp nhanh hơn.
Giữa năm 2018, Bosch tại Việt Nam đã thành lập bộ phận xe máy và xe điện thể thao nhằm tập trung vào thị trường công nghiệp hai bánh đang phát triển. Bộ phận này đóng vai trò trung tâm tại Đông Nam Á trong phân tích chuyên sâu về các công nghệ và giải pháp dành cho xe máy.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Guru Mallikarjuna cho biết, Bosch tại Việt Nam sẽ tận dụng điểm mạnh trong lĩnh vực kết nối để chuẩn bị mở rộng thêm các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ kết nối vạn vật.
Ngoài ra, một kế hoạch trọng điểm của Bosch tại Việt Nam là đẩy mạnh đầu tư thị trường nội địa. Dự kiến Bosch sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD vào nhà máy giải pháp truyền lực tại tỉnh Đồng Nai trong khoảng 5 năm tới, nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất vành đai truyền lực (CVT); đồng thời thúc đẩy tự động hóa.
Ông Guru Mallikarjuna cho rằng, đầu tư tăng công suất và năng lực các nhà máy là điều cần thiết để giữ vững lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Thách thức của Bosch hiện nay chính là phải phát triển và đổi mới thật nhanh.
Việt Nam hiện đang phát triển như một cường quốc ô tô với nhu cầu tăng cao đối với phương tiện công cộng và các giải pháp di động mới. Sự phát triển được thúc đẩy nhanh hơn bằng cách khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như tăng sức mua. Để đạt được điều này, Bosch đã thành lập bộ phận xe hai bánh và xe điện thể thao ở khu vực Việt Nam vào giữa năm ngoái để tập trung vào ngành công nghiệp đang phát triển rất nhanh như thị trường xe máy. Có trụ sở tại TP.HCM, bộ phận đóng vai trò là trung tâm của công ty ở vùng Đông Nam Á về phân tích chuyên môn và khả năng của xe máy. Tiếp tục đầu tư trong nước cũng là một phần trong kế hoạch của Công ty.