Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm cơ hội tại Việt Nam

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:07, 05/07/2019

Đài Loan hiện xếp thứ 7 về chế tạo máy công cụ, xếp thứ 4 về xuất khẩu máy công cụ trên toàn cầu, chiếm 5-6% thị trường thế giới. Năm 2018, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Đài Loan.
Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm cơ hội tại Việt Nam

Ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa cho biết, hàng năm triển lãm MTA Vietnam là một trong những hoạt động xúc tiến thường niên hiệu quả của ngành công nghiệp Việt Nam. Đó là lý do MTA Vietnam luôn đạt tăng trưởng quy mô hàng năm, cụ thể năm 2019 so với năm 2018 là tăng trưởng 11%. Năm nay, hơn 80% đơn vị tham gia MTA Vietnam 2019 đến từ nước ngoài, trong đó có 40% là nhà cung cấp công nghệ, máy móc, thiết bị công nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Karen Pai, Phó giám đốc Phòng phát triển, Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cũng cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) với rất nhiều  thiết bị, máy móc thông minh cũng đang tìm thấy cơ hội tại Việt Nam.

Theo bà Karen, công nghiệp máy công cụ Đài Loan bao gồm một chuỗi liên kết từ nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp, chế tạo linh kiện, lắp đặt tổng thể, kiểm tra, bán hàng và các dịch vụ hậu mãi… chủ yếu là gia công máy trung tâm và máy phay CNC. Các nhà sản xuất Đài Loan tập trung tích hợp trong cấu hình kinh kiện máy công cụ, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng.

Hiện Đài Loan hiện trở thành một nhà sản xuất máy móc công cụ lớn thứ 5 trên toàn thế giới sau Đức, Nhật, Ý, Trung Quốc. Năm 2018, ngành công cụ máy móc Đài Loan đã đạt được 4 tỷ USD, 80% công cụ máy móc xuất xưởng đã xuất khẩu đến 138 nước và lãnh thổ trên thế giới. Đài Loan có một cụm công nghiệp độc nhất trên toàn thế giới. Ở khu vực Đài Trung hiện có 1.500 nhà sản xuất lớn trong đó bao gồm những tên tuổi lớn trên toàn thế giới và hơn 10.000 công ty vệ tinh khác. Mục tiêu phát triển công nghệ mới cũng như chia sẻ nguồn lực. Chuỗi sản xuất toàn diện và đầy đủ này giúp cho các nhà máy móc công cụ Đài Loan đáp ứng được đa dạng hóa nhu cầu.  Trong kỷ nguyên 4.0, Đài Loan không chỉ tạo ra những máy móc thông minh mà còn tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh cho máy móc thông minh. Tạo vị trí vai trò trong nền kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

So sánh với sản phẩm do Nhật và Đức, máy công cụ Đài Loan mang lại chất lượng ưu việt tương đương nhưng giá cả chỉ bằng 85%. Hơn thế nữa, Đài Loan còn có thế mạnh về cánh tay cơ khí đo đạc và kiểm soát chính xác cao, điều khiển từ xa, giao diện đồ họa, thu thập dữ liệu mạng IoT… ứng dụng trong công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy, hàng không vũ trụ, điện tử tiêu dùng, khuôn đúc…

hinh-3760-1562568809.jpg

Ông Chung Wen Nan - Giám đốc bộ phận thiết kế động lực của Công ty Ki Kingdom Việt Nam

Theo Ông Ar-Jeang (John) Chang - Thư ký Kinh tế đầu tiên của Phòng Kinh tế, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh “Đài Loan là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 4 tại Việt Nam. Việt Nam và Đài Loan có mối quan hệ rất mật thiết về kinh tế cũng như về công nghệ. Trong năm 2018, thương mại Việt Nam và Đài Loan đạt được 16,3 tỷ USD, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Đài Loan. Theo thống kê của hải quan Đài Loan, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, xuất khẩu từ Đài Loan sang Việt Nam tăng 4,74%, đạt 3,5 tỷ USD, trong khi đó con số nhập khẩu của Đài Loan đạt 3,9 tỷ USD. Đài Loan hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 4 tại Việt Nam, đã đầu tư khoảng 31,4 tỷ USD từ năm 1988 đến 2018”.Trong giai đoạn công nghiệp 4.0, Đài Loan hướng đến mục tiêu phát triển phù hợp các công nghệ cốt lõi và ứng dụng tích hợp với các xu hướng địa phương, quốc tế và tương lai. Trong đó, Việt Nam là top thị trường ưu tiên của các doanh nghiệp sản xuất công cụ thông minh Đài Loan.

“Hiện có hơn 4.000 công ty Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra hơn 4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Rất nhiều trong số họ đã mở rộng kinh doanh của mình trong các lĩnh vực như giày dép, may mặc, máy móc, xe cộ… Trong năm 2018, Bộ Ngoại thương Đài Loan đã xúc tiến một kế hoạch 5 năm là lắp đặt 9.000 hộp máy thông minh để những công ty của Đài Loan hiện đang hoạt động sẽ có thể tích hợp khả năng sản xuất của mình để đẩy thông tin của mình lên hệ thống và tích hợp vào IoT. Mục tiêu thu thập thông tin và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Mong muốn tăng chất lượng, hiệu suất và độ chính xác”, ông Ar-Jeang phát biểu tại diễn đàn.

Có thể thấy rằng, cùng với kinh nghiệm trong tự động hóa công nghiệp và hệ thống tích hợp sản xuất thông minh, cũng như chất lượng và giá thành hợp lý, các sản phẩm, công cụ, dịch vụ để tạo ra một dây chuyền sản xuất thông minh Đài Loan đang rất thích hợp với khả năng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp - nhà máy Việt.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) cho biết “máy móc Đài Loan có những máy cực kỳ thông minh, nói về hệ điều khiển thì không thua gì các máy của các nước tiên tiến. Tất nhiên trong phần cơ khí thì có những chất lượng khác nhau của nó tùy theo thương hiệu của máy, riêng hệ điều khiển thì máy Đài Loan rất cạnh tranh với các hàng thương hiệu khác”.

Nhiều đề tài về công nghệ thông minh đã được trình bày như “Tương lai sáng tạo thông minh” của Công ty Công nghiệp Máy móc CHIN FONG, “Giải pháp tốt nhất về phụ tùng sản xuất ô tô và xe máy” của công ty Công nghệ TAIWAN TAKISAWA, “Ưu điểm của công nghệ gia công thông minh - Mở đường thành công trong nền công nghiệp 4.0” của tập đoàn GOODWAY MACHINE CORP., “TM Robot - Đối tác tốt nhất trong nhà máy tự động” của Techman Robot…

Ông Chung Wen Nan - Giám đốc Bộ phận thiết kế động lực của KI KINGDOM Việt Nam cho biết: KI KINGDOM chuyên về các loại máy móc dùng cho ngành gia công kim loại, thiết kế các dây chuyền sản xuất tự động, máy sản xuất các loại khóa khống chế lưu lượng nước và không khí, máy sản xuất thiết bị inox. Đồng thời, KI KINGDOM cũng là doanh nghiệp nhận sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.Với ba nhà máy sản xuất tại Trung Quốc (Quảng Đông, Phúc Kiến và Tô Châu). Cuối năm 2018 vừa qua, KI KINGDOM đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bến Cát, Bình Dương, Việt Nam).

Đặc biệt, các sản phẩm của KI KINGDOM là những thiết bị thay cho con người làm các công việc nguy hiểm, mang tính lặp đi lặp lại, những công việc nặng nhọc… để tiết kiệm nhân công và mang lại cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng vì được sản xuất trong dây chuyền nên sản phẩm ổn định và đạt chất lượng cao. Đặc biệt, khâu sản xuất hoàn toàn tự động.

Theo chia sẻ của ông Chung Wen Nan (Giám đốc Bộ phận thiết kế động lực của KI KINGDOM Việt Nam), những năm gần đây thị trường Việt Nam đang nhận một làn sóng đầu tư khá mạnh mẽ. Thế giới dành nhiều sự quan tâm vào thị trường Việt Nam nên KI KINGDOM đã quyết định mở rộng thị trường tại Việt Nam và hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh tại đất nước này. Hiện nay, nhà máy sản xuất của KI KINGDOM tại Mỹ Phước 2 đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sản xuất và kí kết hợp tác với các đối tác. KI KINGDOM cũng đã có những đối tác đầu tiên tại Việt Nam.

Lữ Ý Nhi