Thương chiến Mỹ - Trung tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế Việt Nam
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:33, 05/07/2019
“Tuy có mang lại một số lợi ích trước mắt nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế Việt Nam” - bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế băn khoăn cho biết.
Hàng hóa của Việt Nam cũng có thể bị áp thuế cao nếu như để Trung Quốc mượn xuất xứ để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhằm tránh thuế. Đấy là khuyến cáo của bà Phạm Chi Lan. Theo bà Chi Lan, khi Mỹ phát động thương chiến thì họ đưa ra “luật chơi” mới, luật chống gian lận thương mại, chống lẩn tránh thuế.
Theo bà Phạm Chi Lan, phải xem xét rất kỹ quy tắc xuất xứ hàng hóa. Quy tắc xuất xứ hàng hóa bao giờ cũng là một trong những chương khó đàm phán nhất trong mọi hiệp định thương mại tự do song phương hay đa phương.
Việt Nam còn có thể có thêm dòng đầu tư từ Trung Quốc hay từ lãnh thổ khác chuyển qua Việt Nam trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn. Điều đó tiềm ẩn sự chuyển dịch nhằm tránh thuế chứ không phải là dòng đầu tư theo nhu cầu phát triển của DN. Dòng chuyển dịch đầu tư cố ý che đậy xuất xứ để lẩn tránh thuế thì rất dễ bị lộ tẩy.
Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế thì Việt Nam là nước được tác động tích cực từ thương chiến Mỹ - Trung theo chiều hướng tăng giá trị thương mại. Bốn tháng đầu năm 2019, Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc 12% nhưng tăng nhập khẩu từ Việt Nam tới 38%, tăng 21 tỷ USD. Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ Mỹ tới 17% , mức nhập siêu tăng 17,3 tỷ USD. Nếu như vậy, ước tính cả năm thì Mỹ nhập siêu từ Việt Nam có thể lên tới 52 tỷ USD, cao hơn hẳn năm trước (39 tỷ USD).
Có hai nhóm cơ hội chính là cơ hội thị trường ở Mỹ và ở Trung Quốc. Đối với các sản phẩm bị áp thuế, và đối với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu bị áp thuế làm nguyên liệu đầu vào đều có cơ hội ở cả hai nơi. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, Trung Quốc sẽ không bỏ trống thị trường mà họ đã có. DN Trung Quốc có thể tạm thời rút lui hoặc thu hẹp thị trường xuất khẩu nhưng nhất định không để nước thứ ba lấp phần của họ. Họ chỉ giảm cạnh tranh về giá trong một số trường hợp nhất định và sẽ tự điều chỉnh để vẫn làm ăn được với Mỹ.
Về đầu tư cũng có nhiều cơ hội đan xen thách thức. FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019 tăng 69%, đạt 16,7 tỷ USD, riêng FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm tới 42,5%. Con số đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam dường như để lẩn tránh thuế ở Mỹ là có thật. Đó chính là thách thức đối với Việt Nam chứ không còn là lợi thế nữa.
Các nhà đầu tư sẽ cân nhắc nhiều mặt khi muốn chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam hay nước khác, bởi khi chuyển dịch bao giờ cũng tốn kém. Nếu như các nhà đầu tư thấy chuyển dịch mà gây tốn kém hơn thì họ sẽ ở lại và cải thiện các vấn đề của DN để cạnh tranh bù đắp vào mức thuế cao.
Bà Phạm Chi Lan khuyến nghị: “Thứ nhất, DN cần phải theo dõi thương chiến Mỹ - Trung để ứng xử kịp thời với từng diễn biến. Thứ hai, tìm hiểu ngay khách hàng của các sản phẩm bị áp thuế tại Mỹ để chào hàng cũng như chuẩn bị năng lực để đáp ứng nguồn cung. Trong chuẩn bị năng lực thì hết sức chú ý đến tiêu chuẩn sản phẩm, xuất xứ, những yêu cầu xuất xứ cụ thể mà các nước đưa ra”.
Cần có khâu sàng lọc các nhà đầu tư từ phía các cơ quan nhà nước để làm sao đưa nhà đầu tư về Việt Nam phải có sự đảm bảo nhất định đấy là những nhà đầu tư đáp ứng những yêu cầu về chuyển giao công nghệ hoặc đáp ứng được sự kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải các nhà đầu tư vào để tìm kiếm lao động giá rẻ và dùng công nghệ lạc hậu.
Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa về thông tin. Việt Nam đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất cần công cụ thực thi để DN nhỏ và vừa được hưởng lợi.
Cuối cùng là phải thực thi nghiêm túc chính sách đã đề ra gồm cả các cam kết quốc tế.
Hiện Việt Nam sản xuất được 415 trên tổng số 1.153 mặt hàng mà Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế cao. Tới hơn 40% số mặt hàng Việt Nam có thể bù đắp được tại thị trường Mỹ nhưng không phải chỉ có Việt Nam mà còn các nước khác.