Chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam không chỉ dựa vào giá
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 09/07/2019
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có văn bản trả lời và ghi nhận các kiến nghị của 118 văn nghệ sĩ về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó Bộ trưởng khẳng định, lựa chọn nhà đầu tư không chỉ dựa vào giá.
Không chỉ dựa vào giá thầu
Cụ thể, trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội quyết định chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trong đó đã xác định có 8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chủ trương này được nghiên cứu và thông qua trên tinh thần độc lập, tự chủ không liên quan đến chính sách của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thẩm định, và quyết định đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành sơ tuyển các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trước khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần. Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
“Phải xem xét chặt chẽ tất cả các điều kiện, tiêu chí của các hồ sơ dự thầu, không chỉ quan tâm đến yếu tố giá thầu mà phải xem xét trên cả các điều kiện về năng lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, máy móc, thiết bị, nhân sự, kinh nghiệm thực hiện thành công dự án tương tự, uy tín, chất lượng…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định lựa chọn nhà đầu tư không chỉ dựa vào giá.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: “Đến ngày 7/7/2019, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa nhận được các kiến nghị từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như văn bản của Nhạc sỹ Phó Đức Phương (đại diện cho 118 các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và kinh tế xã hội) về các vấn đề liên quan đến cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Trên thực tế, đây cũng là khuyến nghị được Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra mới đây. Theo đó, Nhóm công tác chỉ ra những thách thức với việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng mà trước hết nằm ở thông lệ lựa chọn nhà đầu tư dựa vào giá được chào.
Cụ thể, việc lựa chọn các nhà đầu tư tư nhân hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên sự cạnh tranh về mức giá thấp nhất thay vì tính đến năng lực kỹ thuật và tài chính thực sự của nhà đầu tư. Trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như giao thông, xử lý chất thải và sản xuất điện, các nhà đầu tư đưa ra chào giá tốt nhất sẽ được lựa chọn, trong khi những nhà đầu tư chú trọng vào năng lực kỹ thuật và tài chính để thực hiện dự án lại không được coi trọng.
“Thực tiễn này dẫn đến hệ quả là các nhà đầu tư “giá rẻ” sau được lựa chọn thường yêu cầu tăng chi phí đầu tư lên nhiều lần ở các giai đoạn sau của dự án vì giá chào ban đầu thường không đủ. Chính phủ khi đó rất khó từ chối yêu cầu này vì vào thời điểm đó các dự án đều đã trong quá trình xây dựng dở dang”, ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng VBF nhấn mạnh. Cùng với đó, giá rẻ thường đi đôi với công nghệ chất lượng thấp hơn và thiếu các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Nhà đầu tư Hàn Quốc nhiều hơn Trung Quốc
Thông tin từ Vụ Đối tác công tư - PPP, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP. Trong đó, có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc… mua hồ sơ sơ tuyển.
Cho ý kiến về việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Quan điểm của Bộ là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước đáp ứng tiêu chí, tư cách hợp lý theo quy định về đấu thầu, có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, giải pháp khả thi đều được tham gia.”
Trước những lo ngại chất lượng xây dựng các dự án cao tốc khi để nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết sẽ có những quy định để đảm bảo chất lượng. Cụ thể, nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã thành công với những dự án tương tự tại một nước khác.
“Doanh nghiệp ngoại phải có dự án đầu tư tương tự đã thành công ở nước mà họ không mang quốc tịch. Các dự án đó phải không có kiện tụng, tranh chấp; đảm bảo chất lượng và tiến độ. Khi đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đăng Trương chia sẻ.
8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai. Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
(Nguồn Enternews.vn)