VFF “bắt tay” với các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp
Thể thao - Ngày đăng : 00:54, 11/07/2019
Khi công ty tiếp thị thể thao vào cuộc
Không còn ôm đồm theo kiểu tự tìm nhà tài trợ, năm nay VFF thay đổi cách làm trong công tác tiếp thị, tài trợ bóng đá khi tìm sự “đồng hành” từ các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp. Điều này đã mang lại kết quả tích cực, giúp VFF có nhiều đối tác tài trợ hơn, hợp đồng tài trợ có giá trị lớn hơn và thời gian hợp tác dài hơn.
Cụ thể, đầu tháng 4/2019, Công ty CP Be Group ký kết với VFF làm nhà tài trợ chính cho đội tuyển quốc gia trong ba năm liên tiếp, từ 2019-2022. Tiếp đó, vào cuối tháng 4/2019, Công ty Honda Việt Nam trở thành nhà tài trợ chính cho đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và đội tuyển U23 trong năm 2019. Mới đây nhất, vào đầu tháng 7 này, Công ty Vinamilk cũng đã trở thành nhà tài trợ chính cho các đội tuyển bóng đá quốc gia, gồm đội tuyển nam, nữ quốc gia, đội tuyển U22, U23, Olympic trong ba năm, từ 2019-2022. Không chia sẻ chi tiết về gói tài trợ này nhưng theo nhiều nguồn tin đây là khoản tài trợ khá lớn mà thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam thực hiện kể từ sau Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc - Cúp Vinamilk năm 2006.
Vinamilk tài trợ chính cho các đội tuyển bóng đá quốc gia (gồm đội tuyển nam, nữ quốc gia, đội tuyển U22, U23, Olympic) từ năm 2019-2022 |
Theo đại diện VFF, với cách thức mới này, các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp sẽ đồng hành với VFF không chỉ ở công tác tổ chức thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà tài trợ mà còn chia sẻ chi phí tổ chức các sự kiện liên quan đến hợp đồng tài trợ, chi phí giám sát việc thực thi các điều khoản của hợp đồng tài trợ trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Tất cả nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi các đối tác tài trợ cũng như của VFF. Và nhờ vậy, VFF có điều kiện để tập trung, tăng cường hoạt động chuyên môn một cách tốt nhất. Đây cũng là xu hướng chung của các liên đoàn và câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới.
Chia sẻ về sự thay đổi trong cách tiếp cận nhà tài trợ, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Với sự hợp tác với các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp, mùa giải năm nay không chỉ những giải bóng đá đỉnh cao mà ngay cả các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp như U11, U13, U15, U17 và giải hạng nhì đều có rất nhiều trận được truyền hình trực tiếp. Đây là những nét mới mà trước đây mà chúng tôi chưa thực hiện được”.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, về chuyên môn, thế giới thể thao trước khi có vai trò đóng góp của marketing chỉ là một sân thi đấu có thành tích thắng hay thua, các vận động viên nhận các huy chương ghi nhận các kỷ lục và thành tích chủ yếu từ ngân sách quốc gia. “Thể thao từ khi có marketing đã thay đổi cơ chế vận hành, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của mỗi quốc gia. Hoạt động này đã tạo ra doanh thu trực tiếp, doanh thu truyền thông, doanh thu từ nguồn tài trợ, thương quyền - nhượng quyền và thúc đẩy du lịch phát triển. Không chỉ vậy, các giải thể thao lớn và các thành tích (dù là cá nhân) đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín thương hiệu quốc gia” - chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đánh giá.
Xu hướng tất yếu
Trên thế giới, chính các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp giúp ngành thể thao có được nguồn tài trợ, tài chính tốt nhất. Không chỉ đóng vai trò xây dựng và tiếp thị các gói tài trợ phù hợp với nhu cầu của khách hàng, các nhà môi giới còn giám sát việc thực thi quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tài trợ. Họ không chỉ thực hiện vai trò môi giới tiếp thị các gói tài trợ trong bóng đá mà còn đóng vai trò quản trị thương hiệu của các cầu thủ, các câu lạc bộ, các tổ chức thể thao quốc gia và quốc tế…
Tại Việt Nam, với sự tham gia của các công ty tiếp thị chuyên nghiệp, bên cạnh việc giữ chân các nhà tài trợ cũ, nhiều sự kiện bóng đá trong nước và quốc tế sẽ được tổ chức với sự tham gia của những đối tác mới với giá trị cao hơn trước đây.
Công ty Honda Việt Nam trở thành nhà tài trợ chính cho đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và đội tuyển U23 trong năm 2019 |
Tuy nhiên, không dễ để có những cái “gật đầu” của nhà tài trợ. “Các công ty tiếp thị thể thao phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để tư vấn, triển khai công việc từ việc xây dựng ý tưởng cho đến việc giám sát thực thi các điều khoản hợp đồng tài trợ trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Họ phải báo cáo chi tiết, đầy đủ các việc thực hiện và chịu trách nhiệm với nhà tài trợ về các điều khoản hợp đồng đã được các bên ký kết”, ông Châu Kỳ Khánh một chuyên gia tiếp thị cho biết.
Cũng như các quốc gia khác, hiện nay, VFF áp dụng mức phí 30% trên tổng gói tài trợ cho các nhà môi giới. Đánh giá về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group cho rằng: “Đối với các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp, mức phí hoạt động 30% ban đầu nghe có vẻ không hợp lý. Nhưng nếu tính tất cả các chi phí phát triển và tiếp thị các gói tài trợ, xây dựng uy tín thương hiệu cho các cá nhân và tổ chức được tài trợ, nguồn nhân lực để giám sát việc thực thi các điều khoản hợp đồng, cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thì mức phí hoạt động 30% rất có cơ sở”.
Ở góc độ của nhà tài trợ, ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Đối ngoại Công ty Vinamilk cũng cho đây là cách làm chuyên nghiệp. Việc ký hợp đồng tài trợ thông qua nhà môi giới là cách đang phổ biến tại các nước có nền bóng đá phát triển. “Nhà môi giới có những hoạt động đi kèm để quảng bá, tổ chức các sự kiện liên quan. Nếu Vinamilk ký trực tiếp với VFF thì Liên đoàn cũng không có đủ người và cũng không đủ chuyên nghiệp để triển khai các hoạt động đi kèm sau đó như nhà môi giới”, ông Đỗ Thanh Tuấn chia sẻ.