Tăng cường quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Chính sách mới - Ngày đăng : 01:53, 11/07/2019
![]() |
Hàng xuất khẩu ở một cảng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt |
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã cho biết như thế tại Hội nghị triển khai đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua. Ông Trần Hữu Linh cho rằng, việc giả mạo xuất xứ là hành vi gian lận mới, hầu hết hàng hóa không sản xuất tại Việt Nam nhưng lại tiêu thụ tại thị trường nội địa nên việc kiểm tra rất khó.
Một khó khăn phải kể nữa là, việc giám định chất lượng các mặt hàng Việt Nam cũng không đơn giản. Tỉnh Lâm Đồng dán tem chống hàng giả cho 1.500 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi phân phối ra thị trường hồi tháng 4/2019 vừa qua để “tuyên chiến” với khoai tây Trung Quốc. Động thái này của tỉnh Lâm Đồng xuất phát từ việc mặt hàng nông sản như khoai tây vốn không phải dán nhãn và cũng khó xác định được như thế nào là khoai tây trồng và thu hoạch tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: “Việc quan tâm đến công tác phòng vệ thương mại là cần thiết. Nếu không quan tâm đến công tác này, chuyện hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam cũng như các mối quan hệ đầu tư, đối tác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ về mặt đối ngoại, việc gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa cũng gây khó khăn không ít đến thị trường nội địa”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải xác định nhóm mặt hàng tăng trưởng của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Canada với sản phẩm gỗ, giày dép, nông thủy sản… là những mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ để có cơ chế giám sát đặc biệt, chống gian lận xuất xứ. Bộ trưởng còn yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ ngành liên quan để chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thương mại...
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh thương mại do người tiêu dùng Việt ngán ngại hàng Trung Quốc kém chất lượng nhập qua đường tiểu ngạch. Mặt khác, nhiều mặt hàng Việt đang ngày càng có ưu thế nổi trội so với hàng Trung Quốc và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã cố tình khai gian xuất xứ hàng hóa để trốn thuế.
Một số giải pháp đã được đại diện các bộ ngành đề ra tại hội nghị để tránh tình trạng lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa: tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về chuyện hàng gian hàng giả xuất xứ; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa...