Điện ảnh Việt 2019: Bứt phá và hồi hộp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 13/07/2019

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu phòng vé phim Việt đã đạt được những con số ấn tượng, bỏ xa doanh thu 2018. Không những vậy, nhiều phim còn được bán ra thị trường quốc tế, gồm chiếu rạp và phát hành trên Netflix, hứa hẹn một thị trường nhiều tiềm năng.
Điện ảnh Việt 2019: Bứt phá và hồi hộp

Con số ấn tượng từ doanh thu phòng vé nửa đầu 2019

Tính đến hết tháng 6/2019 có tổng cộng 14 phim Việt được phát hành, theo số liệu từ nhà phát hành CGV (hiện chiếm hơn 60% thị phần phát hành) với doanh thu 715 tỷ đồng, đạt trung bình 51 tỷ đồng/ phim, tăng khoảng 2,5% so với mức trung bình của năm 2018 là 18,8 tỷ đồng/phim và 22 tỷ đồng/phim năm 2017. Tăng trưởng cùng kỳ so với cả năm 2018 là 40%. Con số doanh thu này còn chỉ kém tổng doanh thu của cả năm 2017 là 56 tỷ đồng.

Con số này hoàn toàn khả thi và đáng tin cậy, bởi riêng quý I-2019 đã có 4 phim Việt gia nhập “Câu lạc bộ trăm tỷ”, gồm: Hai Phượng (200 tỷ đồng tính đến ngày 25/3, chưa bao gồm tiền bán bản quyền tại Mỹ và trên Netflix trong khi chi phí sản xuất dao động khoảng 25 tỷ theo hé lộ từ nhà sản xuất), Cua lại Vợ bầu (193 tỷ đồng), Trạng Quỳnh (100 tỷ đồng). Bước sang quý II, CLB trăm tỷ lại có thêm thành viên mới là Lật mặt: Nhà có khách (115 tỷ đồng, chỉ tính riêng tại thị trường Việt Nam). Một phim khác tuy không công bố lợi nhuận chính thức nhưng chắc chắn ổn định phòng vé là Vu quy đại náo. Nhiều đánh giá dựa theo suất chiếu và lượng vé bán ra, doanh thu phim này xấp xỉ 60 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê từ CGV, đặt Việt Nam vào thế tương quan với các nước trong khu vực châu Á như: Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, thị trường Việt Nam hiện đang dẫn đầu mức tăng trưởng với 23% trong năm 2018. Nguyên nhân của sự nhảy vọt này bắt nguồn từ việc chất lượng phim tốt dẫn đến tăng doanh thu. Bên cạnh đó, số lượng phòng chiếu không ngừng gia tăng, chất lượng rạp chiếu được cải thiện, giá vé cũng bắt đầu có sự thay đổi. So với năm 2018, giá vé bình quân năm 2019 khoảng 71.000 đồng/vé. Cả nước hiện có 931 màn hình, đạt tỷ lệ 11 màn hình/triệu dân. Theo dự kiến, doanh thu toàn thị trường điện ảnh Việt năm 2019 có thể cán mốc 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với con số 3.252 tỷ của năm 2018.

Xu hướng mới

Trong nửa cuối 2019, theo các nhà phát hành, ngoại trừ Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ (Galaxy phát hành) và Chị Chị Em Em (đạo diễn Kathy Uyên, quy tụ hai gương mặt đình đám của làng giải trí là Thanh Hằng và Chi Pu) thì với những dự án còn lại, rất khó để đưa ra dự báo phim nào sẽ thắng phòng vé hoặc bước vào CLB trăm tỷ. Lý do của sự không chắc chắn này là bởi những phim này đều đến từ những cái tên còn khá mới mẻ trong thị trường như: Trịnh Đình Lê Minh (phim Thưa mẹ con đi), Bá Vũ (Cha Ma), Huỳnh Tuấn Anh (Ngôi nhà bươm bướm), Luk Vân (Thật tuyện vời khi ở bên em). Những cái tên quen thuộc như: Đức Thịnh (Anh thầy ngôi sao), Vũ Ngọc Phượng (Anh trai yêu quái, remake từ phim My Annoying Brother của Hàn Quốc) thì có phong độ khá phập phù.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng khi quan sát những dự án này là sự đa dạng trong thể loại phim thay vì chỉ tập trung chạy theo thị hiếu của khán giả vào một dòng phim nhất định khi có một phim ăn khách.

Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay các nhà đầu tư điện ảnh khá cẩn trọng và suy xét kỹ càng khi quyết định bỏ tiền vào một dự án. Những cái tên ổn định như: Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh… dễ dàng kêu gọi vốn và thường những phim này có vốn đầu tư ngoài 20 tỷ, cũng như tạo dựng được lòng tin với nhà đầu tư khi họ dấn thân vào một thể loại phim không/chưa được phổ biến tại Việt Nam. Với những nhà làm phim trẻ hoặc nhà làm phim mới, con số đầu tư cho một dự án thường dao dộng quanh mức 10 - 12 tỷ, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong trường hợp không thu hồi được vốn.

Đạo diễn Lý Hải, cũng là người tự bỏ vốn đầu tư vào các dự án điện ảnh do anh sản xuất và đạo diễn cho biết: “Thông thường khi quyết định làm phim, điều tôi cân nhắc là tính giải trí của phim phải cân bằng được với thông điệp đi kèm trong phim. Tôi không muốn khán giả của mình đến xem rồi ra về mà không nhớ gì về phim”. Cân bằng được tính giải trí và giá trị nội dung là điều các nhà đầu tư hướng đến quyết định có bỏ tiền hay không.

Cũng trong năm 2019, các nhà làm phim Việt đã bắt đầu nuôi những giấc mơ lớn hơn, thay vì chỉ quẩn quanh với thị trường trong nước. Phát hành phim tại nước ngoài mà cụ thể là tại Mỹ và bán phim cho kênh trực tuyến Netflix là ước mơ đã được hiện thực hóa. Định hướng này buộc người làm phim Việt chú trọng từ bước xây dựng kịch bản cũng như đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh đạt chuẩn quốc tế ở khâu hậu kỳ.

Theo chia sẻ từ ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, tiết lộ tại triển lãm Telefilm 2019, chỉ sau 10 giờ xuất hiện trên Netflix, Hai Phượng đã lọt tốp những phim được tìm kiếm nhiều nhất. Doanh thu của phim hiện vẫn còn gia tăng khi đang tiếp cận thị trường lớn nhất Trung Quốc. 

Hiện tại, có hai hướng phát hành phim Việt tại Mỹ. Một là bán bản quyền trực tiếp cho đối tác tại Mỹ như trường hợp phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân bán cho Well Go USA - nhà phát hành chuyên săn những bộ phim châu Á độc đáo. Hai là bán bản quyền cho bên thứ 3 tại Việt Nam, bên này sẽ thuê một số rạp chiếu tại Mỹ để phát hành chủ yếu trong cộng đồng người Việt như trường hợp phim Lật mặt 4 của đạo diễn Lý Hải. Sắp tới, Cha Ma của đạo diễn Bá Vũ cũng đang ấp ủ hướng đi này.

Minh Nguyễn