28 tỉnh không giải ngân được vốn ODA trong 6 tháng

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:08, 19/07/2019

11 bộ ngành trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%, 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%...
28 tỉnh không giải ngân được vốn ODA trong 6 tháng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước lũy kế giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2018. 8/59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, TP.HCM, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); 11 bộ ngành trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%; 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0% .

Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ được vốn nước ngoài. Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân 9.313,847 tỷ đồng/14.480 tỷ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ.

Các bộ, ngành địa phương khi xây dựng kế hoạch trung hạn 2016-2020 còn lúng túng, đề xuất hạn mức cho các dự án chưa sát với tiến độ, khả năng giải ngân thực tế.

Quá trình xây dựng kế hoạch, các bộ ngành và địa phương không tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí và thời gian theo quy định cũng dẫn đến việc bố trí vốn sai quy định, kéo dài thời gian rà soát và giao kế hoạch vốn.

Trong khi đó, giải ngân vốn ODA còn chậm do dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay.  

Nhiều dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị, hiện 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nên mặc dù có dự án có khả năng giải ngân rất cao như tuyến đường sắt số 1 TP.HCM… Thành phố đề xuất nhu cầu giải ngân năm 2019 là 11.491 tỷ đồng nhưng không đủ căn cứ và cơ sở pháp lý để bố trí kế hoạch vốn cho những dự án này. 

Bên cạnh đó, nhiều dự án được bố trí kế hoạch đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư. Địa phương không bố trí được vốn đối ứng, công tác đền bù tái định cư chưa hiệu quả, kiểm kê đền bù còn thiếu sót gây thắc mắc, khiếu kiện trong dân làm kéo dài thời gian giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn hiệp định, chậm phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu chậm trễ... 

Ví dụ như dự án mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, giao thông đô thị Thành phố Hải Phòng, nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng, sửa chữa nâng cao an toàn đập tiểu dự án tỉnh Yên Bái, nâng cấp Quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2…

Thủ tục giải ngân, rút vốn cũng là một trong những nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm do chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi hợp lệ, như thế nào là chi thường xuyên không được phép sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Chủ dự án chậm làm thủ tục ghi thu, ghi chi, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn...

Ngoài ra, giải ngân 6 tháng đầu năm thường thấp còn do những nguyên nhân từ phía nhà tài trợ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam, nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Nguồn VnEconomy)

Kiều Linh