Xúc động với loạt sách viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Sách hay - Ngày đăng : 03:35, 24/07/2019

Những ám ảnh từ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sau 40 năm được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ tái hiện chân thực qua loạt sách của nhóm tác giả từng sống và đi qua cuộc chiến.
Xúc động với loạt sách viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Loạt sách này gồm 7 cuốn, ở các thể loại: tiểu thuyết, bút ký, tự truyện hoặc tập hợp những bài viết đã đăng báo… nhưng dù là thể loại nào cũng đều thể hiện nỗi ám ảnh của những người đã từng sống và đi qua cuộc chiến: Mình và Họ (Nguyễn Bình Phương), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Những mùa xuân con không về (tập hợp các bài viết trên báo), bộ 4 Mùa của ba tác giả, cũng là ba cựu chiến binh: Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) và Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền). Trong đó, bộ 4 Mùa do nhà thơ Lê Minh Quốc lên ý tưởng tổ chức bản thảo như một lời nhắc “những mùa không bao giờ quên và không được phép quên”.

Tiểu thuyết Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) nói về chặng đường của Huy và Quân từ chàng sinh viên thành phố gầy gò trở thành người lính trầm lặng, trải đời. Hồi ký Rừng khộp mùa thay lá, tác giả Nguyễn Vũ Điền kể lại một đoạn đời của ông, khi là nam sinh đại học Tổng hợp Hà Nội đến nhập ngũ vào chiến trường K, chứng kiến nhiều đau thương, thiếu thốn lẫn sự phản bội. Bộ đôi tác phẩm Mùa linh cảmMùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là tập hợp những ghi chép về thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến của người lính lẫn phong tục tập quán lạ lẫm trên nước bạn.

“Trong hai cuộc chiến đó, rất nhiều thanh niên Việt Nam tình nguyện tham gia chiến đấu và đã nằm lại vĩnh viễn nơi biên giới. Với những người trở về, có những nỗi ám ảnh sẽ đeo bám họ mãi mãi. Đó là ám ảnh về cái chết của đồng đội, ám ảnh khi mình còn sống và trở về báo tử cho ba mẹ của đồng đội, ám ảnh về việc đi tìm đồng đội, sự khốc liệt của mùa khô trong cuộc chiến, ám ảnh về mìn… Nhưng bên cạnh đó, cuộc chiến cũng đầy yêu thương và ấm áp bởi tình đồng đội, tình quân dân, kể cả người dân Campuchia”, ông Dương Thành Truyền, đại diện NXB Trẻ, cũng là người lính từng sống và đi qua chiến tranh bảo vệ biên giới chia sẻ.

sach-1-1119-1563950133.jpg

Các nhà văn trong buổi chia sẻ (từ trái qua phải): Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Vũ Điền. Nhà thơ Lê Minh Quốc đóng vai trò kết nối

Nhà văn Đoàn Tuấn tiếp lời, khi chiến tranh kết thúc, với ông, dư âm ngày về sau chiến tranh là sự lạc lõng, chênh vênh vì cố hòa nhập cuộc sống cộng đồng. 5 năm đi bộ trong rừng biên giới, về nhà, ông và nhiều đồng đội quên cách đi xe đạp. Sống trong rừng, ngủ bằng võng, lều đã quen, ông lạ lẫm với giường và ngôi nhà chật chội. Đi trên đường, ông luống cuống vì nỗi ám ảnh giẫm bom mìn cứ thường trực. Trong giấc ngủ, tâm trí người lính vẫn văng vẳng tiếng súng bắn, bom rơi. Có lần, một đồng đội cũ của ông ngủ mơ thấy lựu đạn ném xuống, liền giơ chân đạp theo quán tính và gãy ống xương chân. Có người đang ngủ, nghe tiếng pháo đám cưới trước nhà mà tưởng địch ném bom, vội chui xuống gầm giường. "Nỗi ám ảnh thật khủng khiếp. Đến nhà bố mẹ đồng đội, ông bà ôm chúng tôi, khóc: 'Sao cháu giống đứa con đã hy sinh của hai bác thế'. Rồi có người mẹ trước khi chết chỉ mong mang được hài cốt của con từ chiến trường trở về", Đoàn Tuấn cho biết.

Đoàn Tuấn khẳng định ông và các đồng đội còn sống đã phải nỗ lực rất nhiều để hòa nhập, thích nghi với cuộc sống hòa bình để "sống sao cho xứng đáng với người nằm xuống". Bộ sách này không chỉ để tưởng niệm những người lính, người đồng đội đã ngã xuống mà còn là "lời khẳng định đanh thép trước những thế lực đang cố gắng che giấu/ phủ nhận sự thật”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

So với dòng văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn học chiến tranh biên giới và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn khá ít ỏi với số lượng đếm chưa qua đầu ngón tay, nỗ lực thực hiện bộ sách này của NXB Trẻ rất đáng trân trọng. Điều đáng mừng là, khá nhiều đầu sách đã được tái bản lần thứ ba, chứng tỏ sức hút dai dẳng của dòng sách này.

Minh Nguyễn