Mùa rộn ràng của sân khấu TP.HCM
Thư giãn - Ngày đăng : 06:00, 26/07/2019
Để sàn diễn sáng đèn
Sau đợt tái diễn với một số thay đổi về diễn xuất của nhạc kịch Tiên Nga, tiếp đó là vở kịch Truy tìm thủy long kiếm - Ngày xửa ngày xưa 32 tại Nhà hát Bến Thành kéo dài hết tháng 6, sân khấu kịch Idecaf đã góp phần đáng kể cho mùa kịch hè xứng “đồng tiền bát gạo”. Sân khấu Hoàng Thái Thanh góp mặt với vở mới Lạc dòng - từng rất ăn khách từ 20 năm trước được chỉnh sửa cho phù hợp với đời sống đương đại, tiếp đó là vở Bông hồng cài áo vào tháng 8, bên cạnh công diễn những vở kịch ăn khách trước đó. Sân khấu 5B ra mắt Chuyện tình nữ phạm nhân, Diều ơi, Tiền là số 1...
Đặc biệt, mùa hè này có sự góp mặt (tập trung vào tháng 7 và 8) của nhiều vở cải lương được xã hội hóa về đầu tư, như Trăm năm nguồn cội (Công ty Green Horizon), tuồng xã hội Chuyện tình Khau Vai (Sân khấu Đại Việt), tuồng cổ Tân anh hùng náo (Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long), Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuần Dương (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà), Giang sơn và mỹ nhân (Đoàn Cải lương Vũ Luân), Lan và Điệp (Sân khấu Gia Bảo), Hàn Mạc Tử (nhóm Diễm Thanh), Sở Vân (nhóm Bình Tinh - Hoàng Đăng Khoa). Riêng Nhà hát Trần Hữu Trang đồng loạt ra mắt các vở Nhân danh công lý, Lê Công kỳ án, Nghề nuôi quan và Gạo vẫn là gạo.
Vài “điểm danh” trên cho thấy sự cố gắng duy trì suất diễn phục vụ khán giả của các đơn vị làm nghề, chứ không phải để chứng minh sân khấu TP.HCM đang “ăn nên làm ra”. Dù luôn được đánh giá là sôi động khi có nhiều sân khấu ra đời và từng gặt hái được nhiều thành công, như Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Super Bowl, Thế Giới Trẻ, Trịnh Kim Chi (TKC), Hồng Hạc, Minh Nhí, Quốc Thảo, nhưng với sự phát triển của Internet và sự bùng nổ của gameshow, phim chiếu rạp những năm gần đây, sân khấu TP.HCM đã rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều sân khấu nhỏ phải tạm ngưng hoặc chỉ sáng đèn để cầm cự.
Ngay như vở nhạc kịch Tiên Nga dù có đến 20.000 khán giả mua vé, vẫn không có lợi nhuận cao, do phải đầu tư rất lớn về diễn viên, bối cảnh, âm nhạc, phục trang. Sân khấu cải lương đang trở lại nhộn nhịp và liên tục cháy vé, các vở Chuyện tình Khau Vai hay Trăm năm nguồn cội cho thấy sự chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức của đơn vị xã hội hóa - điều kiện cần có cho sân khấu hiện nay, nhưng để duy trì suất diễn và giữ được khán giả trung thành, phát triển lớp khán giả mới thì không dễ. Thế nên sau vài đợt công diễn nhộn nhịp, sân khấu TP.HCM, trong đó có cải lương lại rơi vào “khoảng lặng” kéo dài.
Thay đổi nội lực
Bên cạnh tác động khách quan thì muốn tồn tại, các sân khấu kịch ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung phải thay đổi nội lực. Theo NSƯT Trịnh Kim Chi của Sân khấu TKC thì điều quan trọng hơn hết là sân khấu kịch phải có cái mới, cái lạ để lôi kéo khán giả. Tìm kiếm nguồn kịch bản hay từ nhiều cách (tự sáng tác hoặc đặt hàng) trong đó có cả việc phục hồi các tác phẩm có giá trị, những tác phẩm kinh điển nhưng có sự cập nhật để chạm tới đời sống hiện đại là cách mà các sân khấu ở TP.HCM đang làm để khắc phục tình trạng khó khăn về kịch mục. Có thể dẫn chứng qua các vở Chuyện tình nữ phạm nhân, Lạc dòng, Tiền là số 1... Theo đạo diễn Ngọc Hùng - Giám đốc Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ, bấy lâu nay các sân khấu thường chỉ tập trung đầu tư cho vở diễn mà quên quan tâm việc quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Việc đầu tư cho vở diễn trước giờ mới chỉ dừng ở những chi phí cho kịch bản, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ. “Để đưa sân khấu đến với công chúng, cần có những đột phá trong việc quảng bá”, Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Ở thời điểm này, Sân khấu Thế Giới Trẻ đang đi đầu trong việc tương tác với khán giả qua diễn đàn fanpage bằng cuộc thi mini game từng tháng theo từng chủ đề. Sau hai tháng, mini game đã tạo được sự tương tác hiệu quả với hàng trăm ngàn lượt view. Cách làm của Thế Giới Trẻ đã tạo được sự lan tỏa, khiến nhiều sàn diễn như Sân khấu kịch Phú Nhuận, Minh Nhí, Quốc Thảo cũng vào cuộc, bước đầu tạo nhiều hiệu ứng tích cực.
Không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả với sàn diễn mà đó cũng là cách nhanh nhất để đo hiệu ứng của một vở diễn sau khi ra mắt công chúng. Vở nào ít có sự tương tác, ít có vai diễn để khán giả nhớ thì khó mà duy trì được lâu. Đây cũng là cách để nghệ sĩ hoàn thành trách nhiệm với vai diễn được giao.
Cùng với việc lập các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin, quảng bá và bán vé, nhiều sân khấu đã tích cực tìm nhà tài trợ mua vé và có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho các tập thể mua vé xem kịch. Trong đó, vở Tiên Nga của Sân khấu Idecaf biểu diễn mỗi đợt kéo dài cả tháng với những suất bao cả nhà hát của một số trường học là nhờ sự đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng về kịch mục và phương thức bán vé chuyên nghiệp và sâu rộng của đơn vị tổ chức.
Khoảng 9 triệu dân và không ngừng tăng mỗi năm, TP.HCM sẽ luôn đủ khán giả để sân khấu các loại hình sân khấu sáng đèn, nếu các nghệ sĩ duy trì được “thánh đường” nghệ thuật này bằng sự chuyên nghiệp, kiên trì, tâm huyết và tử tế. |