Đánh thức giá trị sau “lớp bụi vàng son”
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:00, 31/07/2019
Những câu chuyện lần đầu được kể...
Câu chuyện phía sau một bài hát, về người nhạc sĩ sáng tác bài hát đó có sức hấp dẫn nhất định với người nghe. Nó không chỉ thỏa mãn được bản chất tò mò mà còn giúp họ hiểu thêm về ca khúc của nhạc sĩ mà họ yêu mến. Nếu như trước đây, những chuyện này đa phần được kể qua sách báo thì vài năm trở lại đây, chúng được nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình đưa lên màn ảnh nhỏ.
Giai điệu tự hào là chương trình âm nhạc đầu tiên khai thác theo hướng này. Ra đời vào năm 2014, dựa theo format chương trình Tài sản quốc gia của Nga, Giai điệu tự hào (phát sóng định kỳ lúc 20 giờ tối thứ bảy trên kênh VTV1) đã góp phần làm sống dậy những ca khúc “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Không chỉ làm mới các ca khúc từng được yêu thích, chương trình còn mời nhân chứng, ban bình luận thuộc hai thế hệ già trẻ chia sẻ quan điểm, góc nhìn về bài hát cũng như có sự tương tác nhất định với khán giả tại trường quay và xem truyền hình. Sau hai lần đổi mới, đến nay Giai điệu tự hào vẫn là một trong những chương trình xoay quanh các ca khúc được yêu thích nhất.
Khi boléro dần rơi vào bão hòa từ gameshow đến biểu diễn, năm 2017, Jet Studio sản xuất chương trình Người kể chuyện tình (phát sóng lúc 21 giờ mỗi tối thứ năm trên kênh THVL1) mang đến cho khán giả những chuyện thú vị phía sau các bài hát nổi tiếng ở nhiều dòng nhạc: trữ tình, quê hương, boléro, nhạc trẻ được tái hiện qua phần dàn dựng công phu trong bối cảnh một vở kịch ngắn. Sau ba năm, sức hút của chương trình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Năm 2018, Jet Studio tiếp tục sản xuất chương trình Chân dung cuộc tình, hé lộ những chuyện chưa bao giờ kể, những góc khuất trong cuộc đời các thế hệ nhạc sĩ của nền tân nhạc Việt, như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đài Phương Trang, Y Vân, Vinh Sử, Bắc Sơn... Giữa năm nay, Âm nhạc Việt Nam và những chặng đường do Chu Thị Media sản xuất với thời lượng 15 phút mỗi tập chính thức lên sóng VTV3 (phát sóng lúc 16 giờ 25 phút từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần). Thay vì khai thác chuyện phía sau bài hát, chương trình đi sâu vào những tư liệu chuyên môn, phân tích kỹ về nhạc lý nhằm cung cấp kiến thức nhất định và có hệ thống về lịch sử âm nhạc Việt Nam cho người nghe.
Không thể mãi hoài niệm
Sự đón nhận của khán giả qua tỷ suất xem lại trên kênh YouTube các chương trình trung bình từ 22.000 đến vài trăm nghìn lượt view là minh chứng thuyết phục nhất cho sức sống của những ca khúc vốn dĩ được xem là “nhạc xưa”. Thành công này, ngoài sức hút từ các bài hát, còn đến từ cách thực hiện của các chương trình. Nó cho thấy sự hết lòng, bề dày kiến thức và nỗ lực không ngừng của ekip sản xuất. Một mặt, họ cẩn trọng truy lại nguồn gốc ca khúc qua nhiều nguồn tư liệu cho đến việc tìm gặp các nhân chứng sống, đảm bảo tính chính xác cao nhất có thể về mặt giá trị lịch sử. Mặt khác, để tiếp cận thế hệ người nghe trẻ, ở khâu dàn dựng, phối nhạc, những đơn vị này cũng không ngại tìm tòi, thử nghiệm các bản phối mới qua phần thể hiện của các giọng ca mới.
Âm nhạc không chỉ là hoài niệm, âm nhạc còn là sự kế thừa, phát huy và tự hào về những giá trị đã được khẳng định. Trong thời đại Internet, nỗ lực này của các đơn vị sản xuất chương trình trở thành sợi dây kết nối nhiều ý nghĩa trước thực trạng đứt gãy ngày một sâu giữa những giá trị cũ và mới, xưa và nay. Nhạc Việt đương đại - với đặc tính dễ dàng chấp nhận những yếu tố ngoại lai mới mẻ đã và đang tiệm cận ít nhiều với dòng chảy âm nhạc thế giới. Các thể loại âm nhạc đúng nghĩa được hình thành, từ Rock, Hip-hop, R&B cho đến Dance, Jazz, Dream-Pop, dân ca, dân ca đương đại và nhiều loại hình thể nghiệm khác (trong đó Pop vẫn là dòng nhạc chủ đạo được ưa chuộng) quả là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sự nở rộ của các chương trình âm nhạc hoài niệm, ngoài việc tôn vinh “lớp bụi vàng lấp lánh” của quá khứ, phải chăng cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự thiếu hụt trầm trọng trong việc kiến tạo những giá trị mới?
Bởi lẽ, không ai sống nhờ quá khứ mãi được!