FED giảm lãi suất: Chưa chắc đã tốt

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:00, 01/08/2019

Trái ngược với những ý kiến đồng tình định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), một số chuyên gia kinh tế cho rằng sự mạo hiểm của FED chỉ làm trầm trọng thêm sự suy giảm kinh tế sắp tới khi cố giữ lãi suất ở mức thấp. .
FED-gia-m-la-i-sua-t-Chu-a-cha-6595-4805

Trì hoãn suy thoái hay tích lũy thêm rủi ro?

Gần đây FED liên tiếp bày tỏ lo lắng về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và những bất ổn khác có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ và chấm dứt sự tăng trưởng đã kéo dài 11 năm liên tiếp. Theo đó, FED sẵn sàng cắt giảm lãi suất bất chấp tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần mức thấp nhất trong 50 năm, lạm phát vẫn ở mức thấp dưới mục tiêu hằng năm là 2%.  

Cũng cần nhớ rằng ba cuộc suy thoái gần đây nhất tại Mỹ diễn ra vào các năm 1990-1991, 2000-2001 và 2007-2009 đều xuất phát từ bong bóng tín dụng mà FED đã vô tình giúp hình thành thông qua chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Giờ đây sai lầm đó dường như đang lặp lại, khi mà việc cắt giảm lãi suất sẽ kích thích nhiều người vay mượn mà không cần lường đến rủi ro. 

Ngược lại, những người ủng hộ bình thường hóa chính sách tiền tệ cho rằng việc tăng lãi suất có tác động lớn khi giúp nền kinh tế lành mạnh trở lại bằng cách hạ nhiệt sự tăng trưởng tín dụng nóng và làm giảm bớt các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tiếp đạt mức cao gần đây do hệ quả của “tiền rẻ”.

Nhìn lại quá khứ, cuộc suy thoái diễn ra trong những năm 1980 đã nhanh chóng phục hồi, trong đó thị trường lao động chỉ cần mất một năm để lấy lại những công việc đã bị mất và việc tuyển dụng trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều đó đã bắt đầu thay đổi vào những năm 1990-1991 với sự sụp đổ của một số ngân hàng, hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp sau đó tăng mạnh và phải mất gần hai năm để thị trường việc làm của Mỹ trở lại mức trước khi suy thoái.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng đó, FED đã duy trì chính sách lãi suất thấp quá lâu và vô tình giúp hình thành nên bong bóng mới ở các doanh nghiệp công nghệ (dot-com) và sau đó là thị trường nhà ở. Cuộc khủng hoảng dot-com diễn ra trong giai đoạn 2000-2001 càng khiến FED buộc phải nới lỏng tiền tệ và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, bắt đầu từ 2007.

Nếu như cuộc khủng hoảng những năm 2000-2001 cần đến ba năm để thị trường việc làm trở lại bình thường, thì cuộc khủng hoảng 2007-2009 cần đến gần 5 năm để một số giải pháp phát huy tác dụng và đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo. Điều này hàm ý rằng chính sách tiền tệ nới lỏng càng lâu để giải quyết cuộc khủng hoảng trước đó thì càng mất thêm nhiều thời gian sau đó để phục hồi trở lại.

Kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2009, FED đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc duy trì lãi suất thấp kỷ lục ở gần 0% và các gói nới lỏng định lượng (QE) liên tiếp sau đó. Từ cuối năm 2015, lãi suất mới bắt đầu tăng trở lại và các gói QE cũng được rút dần, tuy nhiên giờ đây cơ quan này đã thể hiện dấu hiệu sẽ lại đảo ngược chính sách để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đó cũng là điều khiến không ít người lo lắng, vì chính sách tiền tệ nới lỏng có thể trì hoãn sự suy thoái nhưng cũng đồng nghĩa với việc tích tụ thêm rủi ro, và một khi khủng hoảng xảy ra thì thời gian để phục hồi sẽ càng lâu hơn.

Liệu đã quá muộn để hành động?

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, việc FED giảm lãi suất có thể là quá muộn nhằm cứu nền kinh tế đang cận kề suy thoái như Mỹ. Một báo cáo phân tích của Morgan Stanley cảnh báo khả năng kinh tế Mỹ tăng trưởng âm trong vòng 12 tháng tới, với xác suất suy thoái lên đến 20%. 

Dù FED nỗ lực cắt giảm lãi suất để cứu vãn nền kinh tế có thể suy thoái bởi những căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các hàng rào thuế quan kéo dài sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái. 

Đáng lưu ý là Morgan Stanley không phải là tổ chức đơn độc trong việc dự báo suy thoái. Ngân hàng Dự trữ bang New York gần đây cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái có thể diễn ra trong 12 tháng tới là 33%. Đây được coi là mức dự báo cao nhất kể từ thời điểm suy thoái kết thúc vào giữa năm 2009. 

Trong khi đó, khả năng FED giảm lãi suất đã được phản ánh vào diễn biến thị trường chứng khoán trong những tuần qua, giúp các chỉ số liên tiếp tăng. Tuy nhiên, nếu việc cắt giảm lãi suất không diễn ra hoặc không đủ cường độ để ngăn chặn suy thoái kinh tế, các tài sản rủi ro sẽ bị ảnh hưởng trước hết.  Nhìn lại quá khứ, giá cổ phiếu Mỹ đã giảm khoảng 15-50% so với mức đỉnh trước suy thoái vào cuối chu kỳ trước bất chấp FED đã cắt giảm lãi suất. 

Khả Hân