Những giá trị chưa bao giờ cũ trong văn chương Bà Tùng Long
Sách hay - Ngày đăng : 06:20, 01/08/2019
Hôm nay, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ chính thức giới thiệu 10 tựa sách trong kho tàng đồ sộ gồm 68 tiểu thuyết và 400 truyện ngắn của Bà Tùng Long đến độc giả nhân kỷ niệm ngày sinh của bà. Đây là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) đã đăng trên các báo trước năm 1975, có 3 tựa chưa từng được in gồm: Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió; 7 tựa còn lại là: Bóng người xưa, Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều.
Bà Tùng Long nổi tiếng với tinh thần lao động miệt mài, bền bỉ như nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong 9 người con của bà tâm sự: “Cả cuộc đời của mẹ tôi dành cho chồng, cho con. Điều đầu tiên mẹ làm sau khi thức dậy là soạn thực đơn xem hôm nay ăn gì và mỗi ngày đều thay đổi. Sau đó, bà uống trà với ba tôi, mỗi ngày hai cử trà, rồi bắt đầu làm việc. Đi dạy, trả lời thư bạn đọc trên báo rồi viết truyện cho 5 tờ báo, đều đặn, bền bỉ. Tôi nhớ mãi tiếng ngòi bút chạy rào rào trên trang giấy trong đêm. Tôi nằm ngủ ngay dưới chân của mẹ vì nhà chật, nghe tiếng ngòi viết khi nào dừng lại là biết mẹ đang suy nghĩ. Âm thanh đó đặc biệt lắm, tôi không thể nào quên được”. Chính tinh thần lao động này của mẹ đã tạo thói quen cho nhà văn khi ông quyết định đi theo nghiệp viết dù sinh thời mẹ ông không tán thành bất cứ đứa con nào theo nghề của bà.
Chia sẻ về sức hút của văn chương Bà Tùng Long, nhà văn Lê Văn Nghĩa hồi tưởng câu chuyện về mẹ ông - người phụ nữ bình dân, học vấn vừa phải nhưng chiều nào cũng bắt cậu con trai là ông, canh mua cho được tờ Sài Gòn mới và mở đúng trang có đăng truyện của Bà Tùng Long đọc say mê rồi tấm tắc khen. Rất nhiều lần, mẹ nói với ông rằng: “Con người phải sống tốt, nhất là đàn ông, phải sống tốt với phụ nữ”. “Một người trí thức thời đó mà viết được cho tầng lớp bình dân đọc thì văn chương phải thiệt sự đi vào lòng người và rất có giá trị. Cái tên Bà Tùng Long khi đó nuôi rất nhiều tờ báo. Sở dĩ nói như thế vì báo nào có bài của bà, tờ đó mới bán chạy. Mà bà khiêm tốn lắm, chẳng khi nào chịu nhận là nhà văn. Bà nói bà chỉ viết để nuôi chồng, nuôi con, ấy vậy mà giá trị nhân văn trong những câu chuyện của bà đến hôm nay vẫn còn nguyên”, nhà văn Lê Văn Nghĩa nói.
Điều thú vị là, trong đợt in sách lần này, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã tìm ra 15 tác phẩm chưa in khác của Bà Tùng Long. Số lượng 400 truyện ngắn và 68 tiểu thuyết được công bố ban đầu, có thể chưa là con số chính thức về gia tài văn học của Bà Tùng Long để lại qua việc tìm thấy những tác phẩm “bỏ sót” của nữ sĩ. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết, ban đầu NXB dự định ký độc quyền nhưng khi nhận ra lượng tác phẩm quá lớn, việc ứng xử cần phải được xem lại sao cho phù hợp và có chiến lược cụ thể. Với việc thực hiện bộ sách lần này, phía NXB chi 1,4 tỷ đồng nhưng theo ông Nhựt “không phải có tiền là làm được một bộ sách, mà phải nghĩ đến thời điểm để đạt hiệu quả về truyền thông, thương mại”.