Quản trị stress trong sức khỏe doanh nghiệp

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 02/08/2019

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Giải thưởng Sức khỏe Việt Nam - Việt Nam Health Award, Talkshow "Corporate Wellness and Stress Management" (Quản lý sức khỏe và căng thẳng trong doanh nghiệp) giúp các nhà lãnh đạo hiểu hơn về diện mạo của stress ở nhiều khía cạnh, từ đó có phương pháp quản trị căng thẳng hiệu quả cho chính mình và các nhân viên, xây dựng chế độ sống khỏe tốt nhất để tạo ra môi trường làm việc giá trị và thành công hơn.
Quản trị stress trong sức khỏe doanh nghiệp

Bà Lê Thị Tố Hải - Chủ tịch Chương trình Giải thưởng Sức khỏe Việt Nam (VHA) đặt ra vấn đề môi trường làm việc, stress diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, càng giữ chức vụ, vị trí quan trọng thì càng dễ bị stress. Vậy làm sao để “quản lý” stress? Bà Hải cho biết, hai tác nhân chính gây stress trong môi trường làm việc là mâu thuẫn cá nhân và khó chịu trong người. Bên cạnh đó, nếu cá nhân ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc hay sự lộn xộn trong tổ chức cũng là "góp phần" gây ra stress.

Đối với những giữ chức vụ, vị trí cao như giám đốc, quản lý, trưởng phòng thì bị stress vì các quyết định, chiến lược kế hoạch, doanh thu… Còn cấp nhân viên thì stress vì thời gian hạn hẹp của dự án, bế tắc ý tưởng, các mối quan hệ với đồng nghiệp…

Theo đó, mỗi khi stress hầu hết mọi người âm thầm chịu đựng để "trôi" qua. Nhưng thực tế, sự ức chế âm ỉ tồn tại chờ ngày bùng phát. Ông Lý Trường Chiến - Trưởng ban cố vấn VHA cho hay, stress là những áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, không thể kiểm soát cảm xúc... Mức độ stress có thể được đo lường một cách dễ dàng nhưng điều trị stress không hề đơn giản. Đặc biệt, stress lại có cơ chế "lây lan" đến người với người.

image6-jpeg-2026-1564655559.jpg

Để tránh những ảnh hưởng đáng tiếc mà stress mang đến tại môi trường làm việc, bà Hải khuyến cáo các cấp lãnh đạo cần tìm hiểu nguyên nhân của stress để có những phương pháp quản lý sự căng thẳng, stress thích hợp để giúp bản thân và nhân viên luôn giữ được tinh thần bình an - hạnh phúc và thăng hoa trong công việc.

Chế độ sống khỏe tại doanh nghiệp hội tụ 8 yếu tố

Khi một doanh nghiệp quan tâm đến chế độ sức khỏe, cải thiện tinh thần của nhân viên thì uy tín của doanh nghiệp đó sẽ được nâng cao đồng thời tăng cường khả năng thu hút nhiều nhân viên chủ chốt. Quan tâm sức khỏe trong môi trường làm việc là yếu tố giữ chân nhân tài, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, chế độ sống khỏe tại doanh nghiệp (corporate wellness) phải hội tụ 8 yếu tố: cảm xúc tinh thần, môi trường làm việc, tài chính, trình độ chuyên sâu, chức vụ, nền tảng thể chất, mối quan hệ xã hội và tâm hồn. Tuy nhiên, hầu hết nhiều nhà lãnh đạo, nhân viên của các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng stress, điều đó chứng tỏ các tổ chức vẫn chưa có phương pháp xây dựng chế độ sống khỏe tại môi trường làm việc một cách hiệu quả.

Nhắc đến stress tức là nhắc về những áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, không thể kiểmsoát cảm xúc.... Stress được hiểu là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tiêu cực đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tại môi trường làm việc, stress diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, càng giữ chức vụ, vị trí quan trọng thì càng dễ bị stress. Giám đốc, quản lý, trưởng phòng… bị stress vì các quyết định, chiến lược, kế hoạch, doanh thu… Cấp nhân viên thì stress vì dự án, deadline, ý tưởng, các mối quan hệ đồng nghiệp… Thế nhưng, dù có stress đến đâu thì lãnh đạo cũng không thể từ bỏ doanh nghiệp và nhân viên cũng không thể từ bỏ việc làm. Vì thế, mỗi khi bị stress hầu như mọi người đều âm thầm chịu đựng hoặc để tự “trôi” qua. Nhưng thực tế, sự ức chế âm ỉ tồn tại chờ ngày bùng phát.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, vào năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Trong số này có đến 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng.

Quản lý sự căng thẳng bằng phương pháp trị liệu

Mức độ stress có thể được đo lường một cách dễ dàng nhưng điều trị stress không hề đơn giản. Để tránh những ảnh hưởng đáng tiếc mà stress mang đến tại môi trường làm việc, các cấp lãnh đạo cần tìm hiểu nguyên nhân của stress để có những phương pháp quản lý sự căng thẳng thích hợp, giúp bản thân và nhân viên luôn giữ được tinh thần bình an - hạnh phúc và thăng hoa trong công việc.

Quản lý sự căng thẳng (tạm dịch từ “stress management”) là cụm từ nói về một số phương pháp trị liệu tâm lý nhằm kiểm soát mức độ căng thẳng của một người ở mức tiêu cực thấp nhất để cải thiện các chức năng duy trì cuộc sống tích cực mỗi ngày.

Nếu doanh nghiệp hiểu rõ về chế độ sống khỏe và cách quản lý sự căng thẳng trong môi trường làm việc thì sẽ nắm giữ được chìa khóa thành công.

Sức mạnh của năng lượng lãnh đạo.

“Với vai trò là một nhà lãnh đạo, việc đầu tiên và quan trọng của bạn là chịu trách nhiệm nguồn năng lượng của bạn và điều phối nguồn năng lượng đó đến với mọi người xung quanh”, Peter F Drucker. Câu nói của nhà lãnh đạo ấy trở nên nổi tiếng và trở thành điều bất di bất dịch: Lãnh đạo đi liền với năng lượng.

Hãy nghĩ về một nhà lãnh đạo có tâm trạng tích cực. Bạn có thể cảm nhận được năng lượng của họ nhanh như thế nào? Và bây giờ nghĩ về một nhà lãnh đạo thường có tâm trạng xấu, toàn sự chỉ trích và tiêu cực, điều này có làm phát sinh căng thẳng khi họ bước vào một cuộc họp? Khi bạn nhìn quanh phòng họp, bạn có thể đọc được cảm xúc trên khuôn mặt của những người đồng nghiệp? Làm thế nào hai nhà lãnh đạo mang hai trạng thái khác nhau như vậy có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và năng suất làm việc của mọi người?

Cân bằng năng lượng lãnh đạo

Năng lượng có nhiều ý nghĩa trong mỗi con người, nên cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Ở phương Đông, qua những ngôn ngữ khác nhau (Prana, Chi, Ki, Tao) thì năng lượng đều có nghĩa là sinh khí, còn phương Tây gọi năng lượng là sức mạnh của cuộc sống (life force).

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, dường như mọi người muốn nhiều hơn về mọi thứ, nhưng liệu khi có những điều đó chúng ta có thể xử lý được hay lại tiếp tục đấu tranh với những nỗi lo mới. Đó là điều mà chúng ta phải dành cả đời để quản lý và học cách kiềm nén nguồn năng lượng của mình.

Lữ Ý Nhi