"Ký ức quê nhà" trong tranh Nguyễn Trọng Khôi
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:10, 02/08/2019
Tháng 11/2017, Triển lãmMùa thu của Nguyễn Trọng Khôi đã được tổ chức tại Gallery Eight (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM). Sau đó không lâu là triển lãm Sắc màu chốn quê xa tại Trung tâm Văn hóa Phố Cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội). Tháng 9/2015 là Triển lãm cuối hè tại Gallery La Tour Eiffel (277 Trần Hưng Đạo, TP. Đà Nẵng); tháng 9/2014 là Triển lãm Cảm xúc đại ngàn tại Gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM); trước đó vào tháng 6/2005 là triển lãm chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng cũng tại Gallery Tự Do.
Bức Ngựa đá |
Ở tuổi bảy mươi có lẻ, Nguyễn Trọng Khôi đã cho thấy sức lực sung mãn của ông trên hành trình sáng tạo đã khởi đầu từ năm 1972 tại Sài Gòn. Sau khi sang Mỹ định cư cùng gia đình hồi thập niên 1980, ông đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Boston và các thành phố khác của tiểu bang Massachussetts cũng như đã có các triển lãm chung với nhiều tác giả người Việt sống tại Mỹ, trong số đó có họa sĩ Đinh Cường - người đã qua đời cách đây ba năm. Trong một bài nhận định về tranh Nguyễn Nguyễn Trọng Khôi, họa sĩ Đinh Cường viết: “Biết đâu Boston, thành phố cổ kính có nhiều tượng đồng của nhà điêu khắc nổi tiếng Henry Moore sẽ nuôi dưỡng người họa sĩ Việt Nam bền gan trì chí làm việc, để sau này sẽ được nhắc nhở tới giống như Yves Tanguy, họa sĩ Pháp đã lang bạt qua đất Mỹ, cũng trôi dạt về vùng này, sống biệt lập trong một nông trại tại Connecticut, sau trở thành một họa sĩ siêu thực có tên trong lịch sử hội họa thế giới hiện đại”.
Bức Nắng chiều |
Trong triển lãm tại Huế và Hội An, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi giới thiệu với công chúng gần 30 tranh, hầu hết được ông sáng tác trong các năm 2017, 2018, 2019 với chất liệu sơn dầu và acrylic, bằng ngôn ngữ hiện thực và trừu tượng.
Ông bộc bạch: “Tôi là họa sĩ sáng tác cả hai thể loại tranh hiện thực và trừu tượng. Những năm gần đây tôi tập trung hơn cho trừu tượng - một loại hình nghệ thuật được diễn giải rộng hơn, tự do hơn trong sáng tạo. Họa sĩ không bị ước lệ vào hình họa mà thuần túy bằng cảm xúc mà phóng cọ trên canvas hoàn thành tác phẩm. Về tranh trừu tượng, tôi chỉ trình bày một ít cảm xúc về không gian thiên nhiên, nội tâm hay rung động về khía cạnh âm nhạc, hân hoan đắm chìm trong sự sắp xếp những mảng khối màu sắc chọn lọc theo cảm quan từ những kinh nghiệm, ý thích. Những đường biểu diễn kết hợp tạo những biểu cảm cho toàn bộ không gian. Không có một cái gì tùy tiện trong tranh của tôi ngay cả cách đổ màu, loang màu, những nét cọ vòng vèo hay mảng khối... Cảm giác hướng dẫn bàn tay có rèn luyện và kinh nghiệm đến hướng chủ đích”.
Bức Giao khúc |
“Về tranh hiện thực, tôi thường thích có bóng dáng con người, trình bày những băn khoăn trong đời sống, yên lặng và một chút mơ hồ nơi biên cương giữa thực và ảo. Tôi luôn thích cảm giác này, một không gian có một chút huyễn hoặc, huyền ảo; có một chút hoài nghi ở thực tế, sự hiện diện của những điều cần lãng quên, giống như sự lẻ loi, cô đơn hay những nỗi buồn. Tranh của tôi bao giờ cũng thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực... Tôi là một họa sĩ bị bứng rễ khỏi quê nhà nên không thể vịn vào hình ảnh quê hương để sáng tác mà phải tìm một mẫu số chung để hòa hợp với chung quanh. Không thể vịn vào những dòng sông uốn lượn, bóng con đò hay những mái tranh, những hoài niệm tốt đẹp khắc họa từ ấu thơ... mà luôn tìm những trăn trở, những góc khuất trong tâm hồn, nỗi cô đơn và thân phận” - họa sĩ tiếp lời.
Bức Cuối thu |
Triển lãm tại Huế được tổ chức trang trọng tại Không gian Điềm Phùng Thị (15 Lê Lợi) thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, còn triển lãm tại Hội An được đưa vào chương trình chính thức của Tuần lễ Văn hóa Hội An - Nhật Bản, một sự kiện được tổ chức hàng năm tại đô thị cổ bên sông Hoài, cho thấy sự trọng thị của giới chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật địa phương đối với một tác giả đã có một sự nghiệp hội họa dài lâu, có những cống hiến cho nghệ thuật tạo hình tại Việt Nam những năm qua.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi |
Nguyễn Trọng Khôi bày tỏ mong muốn sẽ về Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới không chỉ để triển lãm mà còn để được sáng tác ngay tại quê nhà: “Vì đó là nơi tôi thuộc về, nơi có những sinh hoạt nghề nghiệp, có những con người đang cùng cuộc hành trình với tôi. Nơi có cùng một ngôn ngữ không cần phải chuyển dịch. Nơi có hơi thở từ đồng lúa ấm áp và cái nhìn mịn màng như dòng sông. Tôi phơi bày tình cảm trên tác phẩm như phơi lòng mình giữa sự thân thiện và cảm thông...”.