Sự thống trị của Disney thay đổi cách phát hành phim tại Hollywood

Đời thường - Ngày đăng : 08:00, 05/08/2019

Với thị phần ngày càng tăng và sự siết chặt lịch phát hành phim nhượng quyền thương mại, Disney đang buộc các hãng phim đối thủ phải sáng tạo hơn và đầu tư cho việc giới thiệu tác phẩm độc đáo hơn.
Sự thống trị của Disney thay đổi cách phát hành phim tại Hollywood

Thế áp đảo của Disney

Chỉ riêng hè 2019, Disney đã chứng kiến Avengers: Endgame đạt mức doanh thu gần xấp xỉ với kỷ lục của Avatar (2,7 tỷ USD trên toàn cầu); Aladdin(live action) kiếm được 923 triệu USD, và phiên bản làm lại ra mắt vào 19/7 của The Lion Kingdự kiến sẽ ​​bổ sung khoản tiền “khủng” vào kho bạc của hãng.

Đối với những hãng phim vẫn nuôi dưỡng giấc mơ lật đổ “Nhà Chuột” khỏi ngai vàng, cần lưu ý điều này: thị phần nội địa (khu vực Bắc Mỹ) của Disney đã gấp hơn 2,5 lần so với một thập kỷ trước, tăng từ 14% lên hơn 35% (thực tế đã giúp Disney mua lại Marvel, Pixar, Lucasfilm và thậm chí là cả Fox). Nhà Chuột” sở hữu 11 trong số 20 bộ phim đạt doanh thu phòng vé hàng đầu trong 5 năm qua (và 12 trong số đó đã vượt mốc 1 tỷ USD trên toàn thế giới). Cộng với việc hãng Fox nhượng quyền thương hiệu Avatar và X-Men, rõ ràng, không hãng phim nào có thể khiến Disney phải chạy đua bằng tiền của chính hãng.

“Điều đó là không thể” - Giám đốc của một hãng phim đối thủ nói - “Đặc biệt là không phải bây giờ, với lịch phát hành gần như chiếm tuyệt đối của Disney”. Trên thực tế, Disney chỉ phát hành 11 bộ phim vào năm 2018. Nhưng “nếu kết hợp Disney và Fox thì sẽ chiếm được khoảng 40% thị phần trong năm nay”, theo Paul Dergarabedian - nhà phân tích truyền thông cao cấp của Comscore.

Nhưng thị phần không phải là điều duy nhất đe dọa các hãng phim khác. Việc Disney triển khai công chiếu dày đặc các thương hiệu nhượng quyền trên lịch phát hành chính, khiến các hãng phim khác đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo thời điểm ra mắt phim của mình. “Họ đã có những bộ phim phát hành vào tất cả thời điểm tốt nhất”, Jeff Blake - cựu Phó chủ tịch Sony Pictures nói: “Thật sự bất lợi, nếu hãng khác muốn cạnh tranh lại với Disney”.

Sony Pictures chốt được lịch phát hành trong tháng 7/2019 cho Spider Man: Far From Home - một trong số ít thương hiệu không thuộc sở hữu của Disney, thể hiện được sức thu hút khán giả bền bỉ. Phim đã có hai tuần phục vụ khán giả mà không bị cạnh tranh mạnh mẽ, trước khi The Lion King ra rạp. Tuy nhiên, Người nhện may mắn vì là sản phẩm đồng sản xuất giữa Sony và Marvel Studio của Disney.

Việc tìm kiếm các sự đồng sản xuất như vậy sẽ ngày càng khó hơn - không chỉ vì lịch phát hành của Disney mà còn bởi sức mạnh thu hút khán giả của các bộ phim thuộc sở hữu của hãng. Chẳng hạn Avengers: Endgame đã chiếm vị trí số một doanh thu phòng vé trong ba ngày cuối tuần đầu tiên; Captain Marvel và Toy Story 4, Aladdin và thậm chí cả Dumbo đều mở màn ở vị trí số một.

Thành công nối tiếp thành công. Với mỗi thương hiệu nhượng quyền, Disney có thể lên kế hoạch cho phép họ biết trước khi nào sẽ phát hành, từ đó giúp bộ phim tận dụng được các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ và mua sớm quảng cáo trên truyền hình. Việc mua sớm cho phép Disney có được khung giờ “vàng” và trong những trường hợp hiếm hoi khi cần thay đổi ngày phát hành của phim (như Avatar 2 bị đẩy lùi một năm vào Giáng sinh năm 2021) đã mang lại cho hãng quyền hủy quảng cáo trước 30 ngày bằng một khoản tiền phạt rất nhỏ.

disneygrowth-3466-1564934994.jpg

Biểu đồ tăng trưởng thị phần của Disney từ 2010 (13,8%) đến 2019 (35,4%)

Chiến lược của những "ông lớn" còn lại

Bởi không thể tìm thấy thời gian tốt nhất để phát hành, các “ông lớn” khác  ở Hollywood như Sony, Universal và Paramount, Lionsgate rơi vào tình thế khó khăn: hoặc thách thức Disney bằng các dự án ngân sách lớn, hay đặt cược vào các bộ phim có thể gặp rủi ro về mặt khán giả với ngân sách thấp hơn, nhưng được hưởng lợi từ việc nhanh chóng tiếp thị và thay đổi ngày phát hành.

Trong khi các phim nhượng quyền thương mại gồm Mission: Impossible của Paramount và James Bond của MGM vẫn đang được chứng minh là khả thi, thì đã có một vài phim thất bại như Dark Phoenix của seri X-Men và Men in Black: International của Sony. Để làm những bộ phim gốc quy mô nhỏ hơn, Sony đang đặt cược với Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino phát hành vào ngày 26/7/2019 với ngân sách tiêu tốn 90 triệu USD.

Các hãng phim đối thủ khác cũng đang thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực mà Disney hiếm khi chạm tới - đó là những bộ phim kinh dị, phim có đề tài lấy nữ giới làm trung tâm và người Mỹ gốc Phi. Những dạng phim này có thể mang lại lợi nhuận cao, ngay cả khi không vượt qua mốc tỷ USD nhưng vẫn khiến Disney phải khao khát, như: Annabelle Comes Home của Warner Bros đã giành vị trí thứ hai của Toy Story 4 vào cuối tháng 6 vừa qua và kiếm được 76 triệu USD trên toàn cầu trong 5 ngày công chiếu đầu tiên. Trong năm 2020, Warner Bros có các bộ phim hành động kinh phí lớn như Tenet, Wonder Woman, phần tiếp theo và Dune với thời gian phát hành phù hợp với khoảng trống trong lịch trình của Disney. Cuối mùa hè năm ngoái, Warner Bros đã dẫn đầu phòng vé trong năm tuần liên tiếp với The MegCrazy Rich Asians và The Nun.

Phát hành phim xen vào khoảng trống của lịch trình Disney cũng là "chiêu" được Sony sử dụng để ra mắt Venom vào đầu tháng 10/2018 và thành công khi phim thu về 855 triệu USD trên toàn cầu. Nghĩa là các hãng phim đã linh hoạt để kiếm tiền xung quanh sự thống trị của Disney. Tuy nhiên, cơ hội đang giảm nhanh, đặc biệt với việc Disney đã mua hoàn tất thương vụ mua Fox. 

Vậy điều gì có thể thay đổi khi Disney tiếp tục thống trị điện ảnh toàn cầu thông qua các vòi bạch tuột đang vươn dài? Chris Aronson, cựu Giám đốc phân phối của Fox cho biết: "Có một thị trường cho các bộ phim kinh phí trung bình - phim truyền hình, hài kịch, tình cảm lãng mạn... nhưng không thể bắt khán giả ở các thành phố lớn phải bỏ ra 20 USD để xem chúng. Họ luôn sẵn sàng trả 20 USD cho Avengers: Endgame, nhưng sẽ không trả cho Late Night và Booksmart. Các chủ rạp phải linh động thay đổi giá vé khác nhau và lẽ ra nên thực hiện điều này từ rất lâu rồi”.

(Theo Hollywood Reporter)

Chiêu Anh