Ông Loic Gautier - CEO Leflair: "Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong thị trường e-commerce"

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 03:00, 08/08/2019

Với mô hình tập trung vào các khách hàng “chịu chi”, Leflair đã giữ vững vị thế an toàn trong cuộc chiến giành thị phần khốc liệt giữa các kênh e-commerce (thương mại điện tử - TMĐT) tại Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Ông Loic Gautier - CEO Leflair:

Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, đồng sáng lập và điều hành Leflair đều có kinh nghiệm vận hành TMĐT ở khu vực Đông Nam Á khi còn làm ở Lazada Group. Đầu năm nay, Leflair nhận thêm 7 triệu USD từ GS Shop và Belt Road Capital Management, nâng tổng số tiền Leflair gọi được sau hơn 4 năm là 12 triệu USD. Con số này khá khiêm tốn trong cuộc đua TMĐT ở Việt Nam, nhưng nhờ mô hình đúng đắn, Leflair dần khẳng định được vị thế.

Tuy nhiên, mô hình flash-sale (chương trình bán hàng giảm giá kết thúc khi hết thời gian quy định) của Leflair hiện đang bị Vipshop (mô hình tương tự Leflair tại Trung Quốc đang mở rộng qua Đông Nam Á khi nhận được 860 triệu USD đầu tư từ JD và Tencent vào năm 2017) dòm ngó, buộc thương hiệu này nhanh chóng mở rộng ra Đông Nam Á, cũng như củng cố thị phần đã sở hữu được.

* Thưa ông, TMĐT đã và đang bước vào cuộc chiến khốc liệt mà chiến thắng gần như sẽ thuộc về đơn vị nào “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Chiến lược của Leflair như thế nào để có thể đứng vững, không bị cuốn vào cuộc đua này mà vẫn mở rộng được thị phần?

- Làm việc trong ngành TMĐT đã nhiều năm, tôi có cơ hội nhìn ra thế giới và từ đó tìm kiếm một mô hình kinh doanh thành công dành riêng cho đối tượng yêu thích hàng hiệu. Tôi quan sát thấy Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Người Việt không chỉ tiêu dùng hằng ngày mà còn muốn chi nhiều hơn, họ muốn mua những món hàng từ quốc tế như của các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Từ đó tôi đã tìm kiếm những sản phẩm rất khác biệt với các trang TMĐT khác để phát triển.

* Một trong những vấn đề người tiêu dùng quan tâm là chất lượng hàng hóa qua các kênh TMĐT. Theo ông việc bỏ lỏng khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa đầu vào từ các kênh TMĐT tác động như thế nào đến thị trường cũng như ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng? Lời khuyên của ông dành cho người tiêu dùng là gì?

- Mỗi trang TMĐT sẽ hoạt động theo định hướng khác nhau với rất nhiều hàng hóa và mỗi hàng hóa sẽ có nhiều đối tác đầu vào nhau. Cho nên, việc có thể kiểm soát hay quản lý hết chất lượng là rất khó. Với những trang web là chợ TMĐT, việc họ ưu tiên là về bán hàng giảm giá để kích cầu mua sắm cũng như cách vận chuyển đến tay người dùng. Tôi nghĩ lời khuyên duy nhất dành cho người tiêu dùng, tuy cũ nhưng luôn luôn cần thiết: Hãy chọn thật kỹ nhà cung cấp để tìm được sản phẩm tốt nhất.

* Leflair có những động thái nào đảm bảo chất lượng hàng hóa?

- Chúng tôi xem trọng và đặt chất lượng hàng hóa lên hàng đầu. Vì mua hàng giá cao nên người tiêu dùng sẽ có mong đợi hơn về chất lượng cũng như sự chính hãng của hàng hóa. Việc đầu tiên khi chúng tôi tìm kiếm nguồn hàng là chọn nhà cung cấp uy tín nhất, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho chất lượng hàng hóa. Sau đó, hàng hóa được đưa tới kho để kiểm tra trước khi giao cho khách. Thông thường, số lượng hàng hóa không đạt yêu cầu khoảng 10-15%.

* Hiện nay, một số thương hiệu cao cấp bắt đầu ký kết độc quyền với một số trang TMĐT để tăng tính kết nối với người tiêu dùng và cam kết chất lượng sản phẩm. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này? Trong tương lai, Leflair có những dự định tương tự?

- Việc ký hợp đồng độc quyền là điều mà bất cứ trang TMĐT nào cũng muốn vì điều đó sẽ giúp đem lại nhiều điều mới cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo được chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, dù độc quyền hay không, tôi nghĩ vẫn nên có bước kiểm tra hàng hóa thật kỹ trước khi giao cho người tiêu dùng, để hạn chế sai sót cũng như giữ vững niềm tin cho khách hàng.

Hiện chúng tôi có khoảng 80% thương hiệu độc quyền chỉ được bán tại Leflair. Tuy không ký độc quyền hợp đồng với nhà cung cấp nhưng khi làm việc, Leflair là nơi nhà cung cấp có thể tin tưởng để bán hàng tại đây.

* So với thời điểm bắt đầu, đâu là những thành quả khiến ông hài lòng và đâu là những hướng phát triển của Leflair trong 5 năm tiếp theo?

- Chúng tôi hiện có khoảng hàng trăm nhân viên, so với vài chục người ở buổi ban đầu. Điều tự hào là chúng tôi đã cùng nhau xây dựng và phát triển trong suốt nhiều năm qua. Quan trọng hơn, chúng tôi đã có thể sống sót và tiếp tục phát triển trong một thị trường TMĐT rất sôi động như ở Việt Nam. Đó còn là những đánh giá tích cực của người dùng về Leflair và việc chúng tôi đã tạo ra một giá trị nhất định trong thị trường.

Thời gian ngắn nữa thôi, chúng tôi sẽ ra mắt ứng dụng đặt hàng trên điện thoại, để mở rộng khách hàng, tăng doanh thu và rút ngắn thời gian giao dịch. Kế hoạch thứ hai là mở rộng thị trường trong năm nay với đích đến đầu tiên là Philippines. Bằng việc mở rộng thị trường, Leflair sẽ có cơ hội làm việc với nhiều đối tác lớn khác để mang lại nguồn hàng dồi dào hơn cho cả hai thị trường. Về mục tiêu dài hạn, mong muốn của chúng tôi trong 5 năm tới là Leflair hiện diện ở khắp Đông Nam Á. Tham vọng của tôi là 90% người tiêu dùng có thể nhận biết được Leflair trên thị trường.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Minh Nguyễn