Thị trường giao hàng nhanh: Cuộc đua công nghệ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:17, 12/08/2019
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD, sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Với tốc độ phát triển này, thị trường giao nhận cũng đang cạnh tranh nóng, các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển phải tăng tốc trong việc phát triển ứng dụng công nghệ, hoàn thiện hệ thống vận hành, cải thiện dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, công nghệ là một mắt xích quan trọng để các DN đột phá trong ngành giao nhận vốn được coi là khá truyền thống.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Để gia tốc cạnh tranh, các DN kinh doanh giao nhận đang cùng bước vào cuộc đua công nghệ và dịch vụ. Đi đầu trong xu thế này là Amazon. Mấy năm gần đây, Amazon đã ứng dụng hàng loạt máy móc quét hàng hóa đi xuống băng chuyền, đặt chúng vào nhiều hộp được chế tạo riêng cho từng món hàng. Theo tính toán, mỗi chiếc máy trị giá khoảng 1 triệu USD này thay thế được 24 lao động trực tiếp.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành, Shopee Việt Nam: “Các đơn vị kinh doanh TMĐT đang không ngừng nghiên cứu, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của người dùng, vì vậy, các DN giao nhận cũng phải nỗ lực đầu tư công nghệ để đơn hàng được vận chuyển nhanh và đưa khách hàng đến nhiều hơn với mình. Bản thân Shopee cũng đã đầu tư công nghệ và đã đưa vào hoạt động hệ thống phân loại hàng hoá hoàn toàn tự động giúp rút ngắn thời gian phân loại giá trị, trọng lượng, kích cỡ,… của hàng hoá . Dịch vụ này đã giúp cả người bán hàng và người mua hàng trên Shopee an tâm đơn hàng của mình được giao nhanh hơn, an toàn hơn và được phục vụ tốt hơn”.
Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng bày tỏ “Việc áp dụng công nghệ , đặc biệt là đầu tư vào hệ thống phân loại hàng hoàn toàn tự động sẽ giúp các đơn vị giao hàng đến nhiều tỉnh xa, thậm chí đến cả những huyện đảo, xoá bỏ được các rào cản về địa lý, giúp các đơn hàng ngày càng nhanh hơn trong việc giao nhận.”
Là đơn vị vận chuyển, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh (GHN) cũng vừa đưa hệ thống phân loại hoàn toàn tự động, có khả năng phân loại 30.000 đơn hàng/giờ tại kho GHN tại Long Biên, Hà Nội giúp GHN tăng năng suất trong việc phân loại hàng, giảm sai sót, đảm bảo hàng hoá giao nhanh hơn và ổn định trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm, giúp các đối tác kinh doanh thuận lợi hơn.
Ông Lương Duy Hoài – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành GHN cho biết: “Việc đầu tư cho hệ thống phân loại hàng này giúp việc phân loại hàng không còn là nút cổ chai trong toàn trình vận hành. Đây là một trong nhiều khoản đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ và vận hành giúp GHN luôn giao nhanh và ổn định. Với hơn 2.000 điểm gửi hàng trên toàn quốc, đội ngũ nhân viên giao nhận phủ sóng 63/63 tỉnh thành, 700/700 huyện đảo xa, mỗi ngày GHN phục vụ được hơn 300.000 đơn hàng trên khắp cả nước và khoản đầu tư công nghệ táo bạo, hệ thống phân loại hàng hoàn toàn tự động này sẽ giúp tốc độ giao hàng của GHN sẽ càng ngày càng nhanh hơn nữa.
Theo ghi nhận, tại nội thành ở những thành phố lớn, chỉ riêng phục vụ cho mảng thương mại điện tử , bình quân tốc độ giao hàng của GHN khoảng từ 12 tiếng – 14 tiếng, tức là cam kết giao hàng trong ngày. Với các đơn hàng giao toàn quốc, GHN có thể giao hàng từ 24 tiếng – 36 tiếng.
Ông Hoài cho biết thêm, nếu trước đây, chỉ riêng việc phân loại thủ công hàng hóa với quy mô lớn, GHN có thể phải mất 3 tiếng để phân loại hàng, thì bây giờ chỉ cần 30 phút cho cùng lượng đơn hàng tương tự, từ đó giúp hàng hoá tới các kho giao nhận và tới tay khách hàng trong ngày. Đây là tốc độ giao hàng vượt trội tương đương với tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển nhất về TMĐT (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc). Tôi đang rất mong chờ hệ thống thứ 2 sẽ được đi vào hoạt động vào tháng 11 tới tại TP. Hồ Chí Minh”.
Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Sendo cũng chia sẻ: ‘Sendo sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, hậu cần (logistics) và thanh toán trực tuyến bằng cách tăng cường hợp tác với các đối tác có liên quan. Trong đó, nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc là cầu nối vận chuyển hàng hoá từ các nhà bán đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và nhanh chóng”.
Chọn GHN là đối tác của Lazada hơn 7 năm qua, ông Fabian Wandt, Giám đốc Vận hành Lazada khẳng định: “ Việc các DN giao nhận như GHN đầu tư vào hệ thống phân loại hàng hoàn toàn tự động sẽ giúp họ tăng tính cạnh tranh so với các nhà vận chuyển khác, đồng thời mang đến cho các đối tác như chúng tôi dịch vụ vận chuyển xuất sắc. Qua đó, giúp định hình bức tranh tương lai của ngành vận chuyển dành cho TMĐT Việt Nam.”
“Để tự tin cạnh tranh, năm 2018, GHN đã đưa ra dịch vụ vận tải hàng lớn và dịch vụ kho vận GHN Logistics. Năm 2019, GHN còn kết hợp với chuỗi VinMart+ cho phép khách hàng đến gửi hàng tại hơn 1.000 cửa hàng VinMart+ toàn quốc và đang xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ logistics cộng hưởng, đáp ứng toàn diện nhu cầu của tập khách hàng lớn & SME và góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số”, ông Hoài chia sẻ thêm.