Bình tĩnh trước đối tác lớn
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 16/08/2019
Cần chú trọng quản lý rủi ro
Sản phẩm của Công ty CP Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) được xuất sang thị trường Trung Quốc từ nhiều năm qua. Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch BCCE, sản phẩm của BCCE có những bất lợi về giá so với hàng nội địa của Trung Quốc và tình trạng khó dự đoán hơn khi đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm xuống ngưỡng 7 CNY đổi lấy 1 USD, mức yếu nhất kể từ tháng 4/2008 đến nay.
Lo ngại của BCCE nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường Trung Quốc nói chung là có thể hiểu được, nhất là khi Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Năm 2018, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập kỷ lục hơn 100 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 41 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017, theo số liệu của VCCI-HCM. Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NICF), cho rằng CNY giảm giá mạnh ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam là không quá lớn bởi hai lý do. Thứ nhất, độ mở của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là hơn 45%, một mức không quá cao. Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ; việc CNY giảm xuống mức thấp, thiệt hại của Trung Quốc khi nhập khẩu, mua trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích về xuất khẩu.
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 lên tới 106 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Cấn Văn Lực cho biết, đến nay đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, các hợp đồng về cơ bản được chốt giá trước đó. Khi CNY mất giá và giá trị đồng USD tăng lên, doanh nghiệp vẫn được lợi, vì khi quy đổi từ đồng USD sang CNY giúp doanh nghiệp nước ta có lợi ích cao hơn.
Diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là khó đoán định, nên càng khó đánh giá tác động thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong trung và dài hạn. Kinh tế trưởng BIDV khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để có dự báo đánh giá rủi ro tỷ giá. Doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, để kiểm soát tài chính tốt hơn.
Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa
Một số ngân hàng ở Việt Nam giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 1/8/2019. Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, cách điều hành này linh hoạt và theo tín hiệu thị trường hơn, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm xuống từ ngày 1/8/2019 chỉ tập trung ở một số ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn huy động, không mang tính đại trà toàn hệ thống ngân hàng.
Theo ông Hinh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ít sử dụng công cụ lãi suất điều hành để can thiệp mà chủ yếu sử dụng các công cụ khác như trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục ở mức cao do các ngân hàng thương mại phải tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu về “tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn” và Basel II. Ông Hinh cảnh báo: “Lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục ở mức cao, làm cho dư địa giảm lãi suất cho vay sẽ không có nhiều”.
Thực tế, Việt Nam không phải là đối tượng trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng những biến động chung có thể gây tác động lan tỏa, ảnh hưởng đến dòng đầu tư, dòng vốn. Những khuyến nghị của các chuyên gia mà Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi đều cho rằng, Việt Nam cần nhất quán và liên tục xem lạm phát ổn định, duy trì ở mức thấp là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất trong chính sách tiền tệ. Điều này cần được thể hiện trong các văn bản điều hành của chính phủ và NHNN. Đây cũng là nền tảng quan trọng nhất đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả và không mâu thuẫn với tăng trưởng bền vững. Một điểm quan trọng nữa, cơ chế điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa để VND được định giá hợp lý hơn, gia tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Việc dồn nén, giữ tỷ giá ổn định kéo dài trong bối cảnh các yếu tố gây sức ép ngày càng tăng có thể khiến việc xử lý tỷ giá ở giai đoạn càng về sau càng khó khăn.