Cải thiện hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 16/08/2019
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hạ tầng giao thông được xem là xương sống trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, cho đến nay, hạ tầng giao thông TP.HCM chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% so với quy hoạch phát triển giao thông của Thành phố. Trong khi đó, lượng dân cư tập trung đông, số phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng đã trở thành “gánh nặng” cho hạ tầng giao thông. Giải pháp mang tính quyết định, trước hết phải là cải tạo, mở rộng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhanh chóng xây dựng mới các đường trục chính, hoàn thành các tuyến vành đai, cải tạo các nút giao thông.
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 9/8/2019, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết để giải quyết tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là tuyến đường cửa ngõ Trường Sơn, cần thực hiện thêm 7 dự án giao thông với tổng kinh phí 5.600 tỷ đồng. Các tuyến đường như Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn... sẽ đầu tư mở rộng. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường song hành với đường Cộng Hòa hiện hữu. ”Tuyến đường này kết nối đường Phan Thúc Duyện, song song với đường Cộng Hòa đến Trường Chinh. Đường này có quy mô từ 6-8 làn xe, sẽ kết nối vào nhà ga T3 mới đang chuẩn bị được khởi công”, ông Trần Quang Lâm nói.
UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ GTVT sớm quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM sẽ đề xuất HĐND Thành phố thông qua việc tạm ứng ngân sách Thành phố để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng với dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương hơn 2.158 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng cho nhà thầu nước ngoài.
Về tình hình ngập do triều, UBND TP.HCM đã đề xuất Chính phủ gia hạn thời gian cấp vốn dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đến ngày 30/9/2020. TP.HCM cam kết không tăng tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thành trước ngày 30/6/2020 và đảm bảo thời hạn trả nợ vay theo đúng hợp đồng đã ký trước đây. Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, hiện dự án đã thi công được 75%.
Tại cuộc họp HĐND TP.HCM vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng bài toán chống ngập tại TP.HCM hiện vẫn khá nan giải. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do triều cường, mưa, sạt lở, sụt lún, còn có nguyên nhân chủ quan là quản lý nhà nước chưa tốt, nhận thức của dân cư chưa cao. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích đất để thoát nước biến thành đất đô thị. Do đó, mới đây UBND TP.HCM đã yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch cải tạo kênh rạch, khơi thông dòng chảy trên địa bàn tập trung vào các công trình trọng điểm như: Rạch Xuyên Tâm, kênh 19/5, Tham Lương - Bến Cát...
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA chia sẻ thêm, theo quy luật tất yếu, nơi nào có đường sá giao thông đi lại thuận tiện, kèm theo đó là các tiện ích công cộng phát triển thì nơi đó thu hút nhiều nhà đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư. Đó là bài toán mà TP.HCM đang nỗ lực giải quyết.