Gió cồn Quy

Du lịch - Ngày đăng : 08:13, 18/08/2019

Con nước xanh thẫm ngả nâu dần khi dập dềnh đến chân dãy dừa nước đứng líu quíu sát nhau. Gió ràn rạt thổi khiến đám lục bình chao đảo trên mặt nước mênh mang... “Cồn Quy đó”, người tài công vừa chỉnh lái, vừa chỉ về dải xanh rì phía đằng xa.
Gió cồn Quy

Lênh đênh trên sông nước nguyên một ngày, du khách nghe vậy mà xốn xang như thể đang theo câu vọng cổ rung lên để chạm nốt “xuống xề”... Nhờ công nài nỉ của chúng tôi, mà anh Lâm - tài công - mới bằng lòng đưa khách về nghỉ lại nhà để biết thế nào là “trăng gió cồn Quy”... thay vì dẫn vào những homestay đã thành cũ mòn vì quá nhiều tour khai thác.

Nơi phù sa bồi đắp

Theo người dân địa phương, trong số bốn cồn “Tứ Linh” nổi danh của tour sông nước miền Tây, thì ba cồn Long, Lân, Phụng, có hình dáng dài, riêng cồn Quy có hình tròn (giống hình con rùa) nên được gắn với tên này. Trong đó, cồn Quy và cồn Phụng thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, còn cồn Long và cồn Lân là thuộc tỉnh Tiền Giang. Ở một số vùng miền của Việt Nam, thường ở Nam Bộ, người ta dùng khái niệm cồn hoặc cù lao để chỉ bãi giữa, là một dải đất hình thành ở giữa con sông lớn nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

Con-Quy-Ben-Tre-2-4001-1566061997.jpg

Mỗi cồn gắn với vô số di tích hay các giai thoại qua các thời kỳ, chẳng hạn cồn Phụng nổi tiếng với di tích “ông Đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam; cồn Quy có chuyện ông Phạm Cao Thăng từ đất liền ra khai khẩn, trồng bần giữ đất... Người tài công tên Lâm, đưa chúng tôi đi chuyến này, chính là cháu ngoại của ông Phạm Cao Thăng.

Cồn Quy (còn có tên gọi khác là cồn Biện Quy) là một cồn đất rộng chừng hơn 100ha, nằm giữa sông Tiền, thuộc địa phận hai xã Tân Thạch và Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng hơn 20km đường sông. Nghe nói, nó là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được hình thành cách nay khoảng 100 năm. Khởi thủy, đây chỉ là doi đất nổi hoang vu trên sông, cỏ cây rậm rạp, được phù sa sông bồi đắp mà lớn dần. Sau đó, khoảng những năm 1950-1960 mới lác đác có người đi lập nghiệp, tìm ra khai khẩn... Chứng tích còn lưu lại phía đầu cồn (hướng thượng lưu) là miếu Bà Chúa Xứ do tiền nhân khai hoang lập đất dựng nên. Thời kỳ đầu, cồn rộng chừng 60ha, sau nhờ dân trồng bần giữ đất và được bồi đắp phù sa nên có được diện tích như ngày nay...

Du-ngoan-o-Con-Quy-1-7135-1566061997.jpg

“Cồn nào mà chẳng giống nhau, cũng như sông nước miệt vườn nơi đâu mà chẳng lúc lỉu hoa trái và những người nông dân hồn hậu chất phác...”, tôi từng nghĩ vậy trước khi đặt chân lên rẻo đất này. Chỉ đến khi chào từ biệt gia đình người tài công hiếu khách, khi cồn Quy đã khum khum một lùm xanh phía xa xa giữa bốn bề sông nước, tôi mới biết điều ấy là sai. Bởi, dẫu chỉ một lần bước chân qua, cồn Quy đã ghi dấu trong tim tôi, cũng như thể một phần tình yêu của tôi đã gửi lại trong đôi mắt ướt trong veo của bé Giang...

Cồn Quy là đây! Một vùng xanh rợp vốn thấy ở những miệt vườn trù phú đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất mang vẻ xinh xắn với những ngôi nhà “chìm” giữa đám cây cối, con đường nhỏ như một vành đai êm đềm “ôm” lấy phần đất vốn do phù sa bồi đắp mà thành.

Đêm sông nước...

Dường như khoảnh đất của gia đình nào ở đây cũng có một con kênh nhỏ chảy xuyên qua, chạy tuốt từ mé này tới mé kia của cồn. Vừa như mương dẫn nước tưới tiêu, vừa tiện để đặt tấm lưới sơ sịa khoanh lại thả cá, nuôi vịt, đôi khi lại là ranh giới tự nhiên giữa hai nhà... Nhà anh Lâm cũng có một con kênh như thế. Đất đai ở đây sẵn, lại phì nhiêu, thêm cái kênh luôn lưu thông nước khiến vườn nhà anh cái gì cũng sẵn: này gà “chạy bộ”, này cá tai tượng, rau xanh, rau gia vị, trái cây... Vợ anh, người phụ nữ có gương mặt bầu và hiền, đúng kiểu con gái miệt vườn, cứ tủm tỉm trước những tiếng ồ à thán phục của khách, vừa lo làm cơm, vừa canh chừng đứa nhỏ còn đang e dè trước khách lạ nên cứ núp chúi một góc nhìn ra.

Du-ngoan-o-Con-Quy-2-2314-1566061998.jpg

Bữa cơm dọn ra ngay trên nền gạch hoa đầu hè, toàn đặc sản vườn nhà: gà luộc, cá chiên xù nguyên con, bánh tráng, rau hái ngoài vườn và bát mắm cá đặc biệt mà vợ anh kỳ cạch đâm ớt, pha chế... Câu chuyện rủ rỉ những hồi ức và giai thoại quanh chuyện cồn Quy, chuyện cư dân, chuyện đời ông sơ ông cố... và cả chuyện mưu sinh thường nhật. Anh Lâm cho biết, nguồn thu của gia đình anh là từ làm vườn, bán trái cây, nuôi cá... Quanh quẩn với thửa đất xuyên suốt từ đầu này qua đầu kia của cồn cũng hết một ngày, nào bơm nước tưới, nào cắt tỉa cây cành, nào chăm trái... Khi nào có khách, công ty báo về thì ra bến tàu 30/4 đón khách, chở đi theo tour. Vợ anh chỉ lo chăm sóc nhà cửa, trông con - bé gái tên Giang, chừng 3-4 tuổi, rất xinh xắn mà vợ chồng anh gọi là “cục vàng”...

Trăng lên thì câu chuyện cũng vừa tàn, đêm yên tĩnh phủ một màu đen thẫm suốt cả vùng. Mặt sông lồng lộng, gió thổi đám dừa nước lào xào, hòa theo tiếng cười đùa của đám thanh niên, tiếng đàn vọng cổ văng vẳng phía xa xa. Càng về đêm, gió cồn Quy chốc chốc lại kéo từng cơn, khiến lũ người thị thành thêm khát thèm cái hồn nhiên sông nước mà nhất định không chịu về ngủ...

Thức giấc ở cồn Quy là một trải nghiệm đầy ắp những thứ tín hiệu cùng ùa vào tôi một lúc: nào tiếng gà gáy, tiếng bọn ngan vịt ngoài vườn lẹp kẹp đòi ăn, tiếng chim hót và cả tiếng bé Giang líu lo, rồi đến ánh nắng rất trong xiên ngang đám khói bếp do bà chủ nhà hiếu khách dậy sớm lo đồ ăn sáng... Một khoảng xanh ngắt bình yên, trong lành. Bé Giang rủ “đi xem vườn nhà con”, rồi lũn cũn dắt chúng tôi băng qua những khóm dứa, những cây nhãn xuồng, nhãn quế, những cây mít lúc lỉu trái chạy dọc thân, rồi đám dừa ta, dừa xiêm ngả ngốn bên mặt kênh lóc chóc đầu cá rô đen đặc... 

Ng. Loan