Champagne + chocolate = sốc mạnh

Sống khỏe - Ngày đăng : 08:00, 18/08/2019

Anh chàng khù khờ dễ thương Forrest Gump kể mẹ của anh thường nói rằng “Cuộc đời giống như hộp chocolate, chẳng biết con sẽ bốc được viên ngọt hay viên đắng”. Còn những nghệ nhân làm Champagne ở Pháp thường nói “Trên cõi đời này bạn chẳng thể mua được hạnh phúc nhưng có thể mua được Champagne”.
Champagne + chocolate = sốc mạnh

Vậy thì mỗi khi mở hộp chocolate, bạn nên thủ sẵn ly Champagne để nếu chẳng may bốc phải những viên đắng thì có thức uống phù hợp.

Có nên cùng lúc mở hai thứ đầy cám dỗ là champagne và chocolate, dù là chocolate sữa, chocolate đen 70% cacao hay chocolate có chút Cognac, Cointrau, Whisky bên trong? Hai thứ cám dỗ này cộng chung có thể gây sốc mạnh đấy! 

Đó là sự kết hợp có thể gọi là “cưỡng hôn để ly hôn”. Thật vậy, bạn có uống một ly vang trắng với một thanh chocolate đắng không? Dĩ nhiên là không. Vậy tại sao bạn nghĩ rằng Champagne (xin nhớ luôn viết hoa chữ C) kết hợp tốt với chocolate đắng? Champagne là một loại vang trắng được làm cho sủi bọt, có thế thôi. 

Sự hài hòa tuyệt đẹp giữa chocolate và Champagne gần như là một lỗi “phân phối thương mại”. Tại sao Champagne lại chịu “đàn đúm lăng nhăng” với hương vị chocolate? Đầu tiên, vì trong nhiều thập kỷ, cả hai đều được phục vụ ngoài bữa ăn, và sau đó trở thành món tráng miệng. Chocolate thật đắng và Champagne thật ngọt ngào. Champagne ngày xưa ngọt hơn cả vang trắng Sauternes, nên vị ngọt bao phủ cái đắng của cacao tạo nên sự thăng hoa. Bởi vì loại Champagne có ghi thêm từ “Brut” chỉ có từ khoảng 100 năm trở lại đây. Champagne trước đó chủ yếu là một loại vang trắng ngọt trong hơn 150 năm. Có thể tưởng tượng vào năm 1860, hơn 2/3 sản lượng vang sản xuất ở vùng Champagne bên Pháp vẫn không là vang sủi bọt. Và mãi cho đến những năm 1910, Champagne sủi bọt chủ yếu là một loại rượu ngọt. 

Nói tóm lại, rượu Champagne như được biết ngày nay chỉ mới có một thế kỷ. Thật vậy, nếu phải mất ba thế kỷ để Champagne tồn tại, thì thứ tiêu thụ ngày nay không giống với thứ có thể nếm thử vào thời vị vua Louis XVI hay hoàng đế Napoleon Đệ nhất. Dân Anh là những người đầu tiên thưởng thức Champagne như một loại rượu khai vị, và đó là lý do tại sao họ đã yêu cầu các nhà sản xuất hãy cho Champagne ít ngọt hơn. Từ những năm 1880, liều lượng ngọt (tức lượng đường cho vào thùng ủ vang) được tổ chức theo thị trường đích. Liều lượng được biểu thị bằng phần trăm lượng đường trên mỗi lít. Thị trường Anh Quốc: 2-6%, hoặc 22-66g đường mỗi chai. Thị trường Mỹ: 10-15%, hoặc 100-165g đường mỗi chai. Thị trường Đức: 15-18%, hoặc 165-200g đường mỗi chai. Thị trường Pháp: 19-25%, hoặc 200-275g đường mỗi chai. Thị trường Nga: 25-30%, hoặc 275-330g đường mỗi chai. Tại Pháp, từ những năm 1920, Champagne ngọt dần dần nhường chỗ cho những chai Champagne “Brut” (dưới 12g đường/lít) và ngày nay rất ít người thích sâm banh ngọt.  

Chocolate do người Maya tìm ra, trở nên phổ biến cùng thời với Champagne vào cuối thế kỷ XVII và giống như thức uống nổi tiếng ấy, nó chỉ có thể được tiếp cận với tầng lớp quý tộc, người nhiều tiền. Mãi đến 100 năm sau đó, dưới thời Napoléon III, Champagne và chocolate được đặt cạnh nhau tại các cửa hàng xa xỉ để dễ dàng bán. Đó là sự kết hợp sai lầm vì trong thế kỷ XX, Champagne đã trở thành ít ngọt - “Brut”, y như một loại rượu khai vị. 

Để có được sự kết hợp hài hòa giữa Champagne và chocolate, bạn phải lựa chọn sản phẩm tốt. Sau đó, mọi thứ phụ thuộc vào hàm lượng cacao của chocolate. Một thanh chocolate ngọt ngào với 50% cacao, tôi sẽ đề nghị một chai Champagne Lanson Rosé (hồng) với hương vị hăng hăng, mạnh của nho Pinot noir. Đây là một kết hợp đặc biệt. Nhưng muốn có “hôn nhân hạnh phúc” giữa Champagne và chocolate thì gần như là mơ mộng hão huyền. 

P. Dũng Nguyễn