Cổ phiếu: Đến thời luân phiên sóng ngành

Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 19/08/2019

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vẫn trong tình trạng không rõ xu hướng, trong đó VN-Index lại một lần nữa thất bại ở mốc 1.000 điểm, theo đó tiếp tục duy trì trong biên độ 940-1.000 điểm. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhạy bén đã có lợi nhuận khá tốt khi chọn đúng cổ phiếu.
Cổ phiếu: Đến thời luân phiên sóng ngành

Những cổ phiếu “sáng chói”

Đầu tiên là ngành dệt may, thủy sản khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Mỹ bị đánh thuế, khiến các sản phẩm dệt may, thủy sản của Việt Nam có thêm thị phần từ khoảng trống mà hàng Trung Quốc để lại và tăng được lợi thế cạnh tranh khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao.

Việc Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA cũng mang lại lợi ích cho hai ngành này, khi đây là các sản phẩm chủ lực nhập vào EU và các nước khác, và giờ đây nếu được miễn thuế thì càng tận dụng được ưu thế.

Cổ phiếu TCM đã tăng gấp đôi trong quý III năm ngoái và tiếp tục tăng thêm 60% trong quý I năm nay sau khi điều chỉnh, trong khi cổ phiếu TNG đã tăng gấp ba kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, còn MSH tăng gần 70% từ đầu năm đến nay. Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng bứt phá mạnh mẽ và đặc biệt tăng trần hàng loạt sau khi Việt Nam ký EVFTA.

Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế nổ ra, dòng vốn FDI càng đổ mạnh vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có cơ hội tăng diện tích cho thuê đất, mang lại lợi nhuận đáng kể.

Do đó, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp liên tiếp “nổi sóng” từ đầu năm đến nay, với các mã tăng hàng chục phần trăm hoặc tính bằng lần như SIP, SNZ, SZC, SZL, TIP, DTD, NTC, BCM và những cổ phiếu như KBC hay ITA hút tiền mạnh. Nhóm cổ phiếu sản xuất cao su, đặc biệt là có quỹ đất cho thuê làm khu công nghiệp lớn như PHR, GVR, VRG, TRC cũng đang trong giai đoạn tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Nhóm các cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của Nhà nước cũng cần được đặc biệt chú ý, khi lịch sử cho thấy nhóm cổ phiếu này thường tăng rất mạnh trước các thông tin thoái vốn.

Trong những ngày gần đây nhất, đến lượt nhóm cổ phiếu cảng biển đã được thị trường “gọi tên”. Trong ngày giao dịch 8/8/2019, hàng loạt cổ phiếu cảng biển đã đồng loạt tăng trần. HAH sau nhiều năm chìm đắm thì gần đây đã tăng mạnh sau khi vượt 13.000 đồng/CP, lên mức cao nhất ở 15.600 đồng/CP, đánh dấu mức tăng hơn 30% chỉ trong vòng một tháng. Gã khổng lồ GMD cũng hòa xu hướng cổ phiếu tăng, PSP, DVP, DXP, PHP ghi dấu ấn tích cực.

Những “ngôi sao” tiếp theo?

Với việc “sóng ngành” luân chuyển như trên, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng tìm kiếm “ngôi sao” tiếp theo sẽ tỏa sáng từ giờ đến cuối năm. Sau cảng biển có thể là vận tải, đặc biệt là vận tải biển, khi mà thương mại của Việt Nam đang được hưởng lợi do thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời với vốn FDI đổ vào nhiều thì thương mại càng có thể tăng trưởng mạnh, do đó có thể thúc đẩy nhu cầu vận chuyển gia tăng. Giá dầu điều chỉnh gần đây cũng giúp chi phí nhiên liệu đầu vào của nhóm này giảm, trong đó PVT đang có dấu hiệu thiết lập xu hướng tăng.

Hoặc cũng có thể là nhóm dầu khí sẽ quay trở lại, khi tình hình biển Đông ổn định hơn, cộng thêm nhu cầu khai thác dầu càng trở nên cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Thực tế là một số doanh nghiệp dầu khí sau thời gian kinh doanh khó khăn thì gần đây có dấu hiệu hồi phục. Sáu tháng đầu năm, PVS đã vượt 127% kế hoạch lợi nhuận cả năm, PVD bất ngờ có lãi trở lại hơn 100 tỷ đồng trong quý II vừa qua. Tuy nhiên, nhóm dầu khí vẫn sẽ tiếp tục trồi sụt theo diễn biến của giá dầu thế giới.

Nhóm điện cũng có thể là “chú ngựa ô” đáng chú ý, khi mà vốn FDI vào nhiều, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam thì nhu cầu điện tất yếu gia tăng, giúp các doanh nghiệp bán điện tăng thêm lợi nhuận. Ngoài ra, cổ phiếu ngành điện sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chất xúc tác là chính sách mở cửa thị trường phát điện cạnh tranh.

Nhiều dự báo của các tổ chức, chuyên gia cho rằng VN-Index trong năm nay có cơ hội vượt mốc 1.000 điểm, tuy nhiên để làm được điều đó thì chỉ có nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán mới đủ sức là đầu tàu dẫn dắt. Trong hai tháng trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá trái chiều, trong khi VCB, BID, MBB, ACB, TPB, VIB tăng tích cực do kết quả kinh doanh tăng mạnh hoặc có thông tin về đối tác chiến lược như BID, thì TCB, VPB, STB, HDB, EIB vẫn đi xuống.

Nhóm các cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của Nhà nước cũng cần được đặc biệt chú ý, khi lịch sử cho thấy nhóm cổ phiếu này thường tăng rất mạnh trước các thông tin thoái vốn. Những tháng đầu năm nay đã chứng kiến TV4, TV2, SFG, SRC gây “sốc” như thế nào, hay gần đây cổ phiếu như IJC, TDC cũng có dấu hiệu tăng mạnh trước kỳ vọng Becamex sẽ thoái vốn thành công trong những tháng cuối năm nay.

Khánh Phương