Lên Sapa theo câu hát
Du lịch - Ngày đăng : 08:00, 19/08/2019
Thu sang trên đỉnh sương mờ
Tháng 8, khi thu đã chạm ngõ, nắng đã hanh hao và lòng người thêm se sắt. Gió trên đèo hiu hiu lạnh, tâm hồn bỗng nhiều cung bậc cảm xúc đến lạ. Sa Pa đón chúng tôi sau chặng đường dài gần 400km từ thủ đô Hà Nội, với những rung động nhẹ nhàng mà tha thiết. Chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp nơi ấy khi đám sương mờ còn bay lả lướt quanh ngọn núi cao ngất trời thu. Bất chợt lời ca da diết lại về trong tâm trí lữ khách:
“Bồng bềnh, bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng lô nhô rừng cây
Long lanh trong xanh dòng suối, dập dìu sắc màu chợ phiên ...
Vang tiếng khèn chàng xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế
Tiếng đàn môi em nói điều gì cho ta ngồi bên nhau đêm nay”
Thị trấn Sapa nhìn từ núi Hàm Rồng |
Sa Pa có nhiều địa chỉ đáng để thăm quan. Trong bức tranh đẹp đẽ ấy, núi Hàm Rồng là nơi mà ai cũng muốn chinh phục để được thưởng lãm một bức họa Sa Pa với bố cục, màu sắc hài hòa, rồi may mắn có thể ngắm “mây luồn” - một đặc sản riêng có mà cánh săn ảnh vẫn thường lui tới. Mây luồn thường xuất hiện vào những ngày nắng đẹp, trời quang, chỉ trong thời khắc ngắn rồi mau chóng tan biến.
Men theo những lối mòn nhỏ, đôi lúc phải trèo qua vách đá chênh vênh, đi qua những thung lũng hoa muôn sắc màu tươi đẹp, rồi đến đài vọng cảnh thuận lợi nhất để quan sát thị trấn cổ nhỏ xinh, ẩn hiện trong sương khói, nhắm mắt hít hà thật sâu để cảm nhận khí đất, hương trời nơi biên viễn xa xôi. Trên đỉnh cao hơn 1.500m, ta có thể ngỡ như “chân chạm mây, tay với tới trời”.
Cuối chiều, chúng tôi tìm đường xuống núi, ghé thăm nhà thờ đá Sa Pa cổ kính, đẹp huyền bí, được người Pháp xây vào cuối thế kỷ XVIII. Ban đêm, không khí lạnh bao trùm, thị trấn nhỏ xinh rực rỡ ánh đèn, từng đoàn du khách dạo quanh các lối nhỏ, chợ đêm đầy ắp tiếng nói cười, bán mua huyên náo. Trong cái ồn ào đó, vẫn thấp thoáng đâu đó những chàng trai, cô gái Mông, Dao đang thao thức với câu chuyện tình còn dang dở. Tiếng khèn môi lại được cất lên với đầy tâm trạng, tha thiết.
Nốt trầm phố núi
Sa Pa có sức vươn mạnh mẽ, thể hiện ở tốc độ xây dựng cực lớn, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, resort, tập trung dày đặc xung quanh trung tâm thị trấn cổ. Du lịch đã làm thay đổi các bản làng, có lẽ Sa Pa đã “hội nhập” từ rất lâu khi người Tây vẫn tấp nập đổ dồn về đây. Đồng bào thật thức thời, họ biết làm du lịch, dịch vụ song đáng mừng là vẫn còn bảo tồn được những bản sắc truyền thống ngàn đời.
Đồng bào dân tộc bán thổ cẩm ở Sapa |
Ấn tượng với tôi là những em bé người Mông, Dao, Thái và cả cánh thợ làm thuê cho các nhà hàng, khách sạn, người già bán thổ cẩm trong các chợ phiên, dù chẳng qua trường lớp nào mà họ nói tiếng Anh “như gió”, giao tiếp với người nước ngoài đầy tự tin.
Dù vậy, đâu đó Sa Pa vẫn để lại trong tôi những nốt trầm và khoảng lặng khó lý giải. Du lịch phát triển song những vấn đề nổi cộm chưa dễ giải quyết được ở “thị trấn sương mờ”. Ở góc này, góc kia có những em bé địu em trong tiết trời giá rét, quần áo mỏng manh chèo kéo du khách bán hàng lưu niệm. Có em bé người Mông ngủ quên trên lưng mẹ đeo bám du khách để ăn xin. Một điều đáng buồn nữa là trai làng, gái bản, người già, trẻ thơ dù chất phác đến mấy cũng không thoát khỏi những cám dỗ vật chất. Có người bảo Sa Pa đang bị đô thị hóa đến chóng mặt, mọi thứ bị thương mại hóa, rồi vấn đề vệ sinh công cộng, rác thải... thực sự là bài toán khó chưa lời giải ở Sa Pa.