Phát triển miền Trung trở thành vùng động lực kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 20/08/2019
Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam - Bắc.
Nội dung Hội nghị xoay quanh báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016-2018 và quý II/2019. Tại Hội nghị các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung: Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền Trung (đánh giá những kết quả, những hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện, các vướng mắc cần tháo gỡ); giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước…
Hội nghị thảo luận về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung bứt phá, phát triển bền vững, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; thể chế, cơ chế điều phối vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển. Các báo cáo về tình hình phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW do lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định , Thanh Hóa trình bày. Các báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết về sự phát triển của vùng.
Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Để thúc đẩy kinh tế miền Trung trở thành vùng động lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất ba nhóm giải pháp lớn.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển.
Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.
Cần có thể chế, chính sách hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy hết lợi thế so sánh; tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Thứ hai, trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.
Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển...
Cuối cùng là nhóm giải pháp về nguồn lực. Theo đó, ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng.
Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.