Quỹ đất sạch thông qua M&A

Đầu tư, M&A - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2019

Mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là con đường ngắn nhất để có quỹ đất, thay vì đi từ những thủ tục ban đầu như xin chủ trương đầu tư rồi chờ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết...
Quỹ đất sạch thông qua M&A

“Săn” quỹ đất sạch

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc Thị trường vốn Công ty Tư vấn Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, nhận xét, cuộc đua M&A quỹ đất sạch đang do các “ông lớn” ngành địa ốc cầm trịch. Các thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2019 cho thấy doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại đều sẵn sàng cho chiến lược bắt tay cùng phát triển bất động sản.

Điển hình là Tập đoàn Nam Long hồi đầu năm đã mua 70% cổ phần dự án Waterfront City, Đồng Nai, diện tích 170ha từ Keppel Land với giá hơn 2.300 tỷ đồng. Tập đoàn Novaland cũng công bố phát triển quỹ đất hàng ngàn ha để xây dựng khu đô thị tại Đồng Nai, Vũng Tàu, Phan Thiết, Cần Thơ. Thông qua phiên đấu giá công khai do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, Kim Oanh Group vừa trúng lô đất rộng 49ha tại Bình Sơn, Long Thành với số tiền 1.270 tỷ đồng. Ở TP. Vũng Tàu, Tân Hiệp Phát gây bất ngờ khi thâu tóm lô đất hơn 18.000m2  tại khu vực trung tâm.

Link bài viết

Một thương vụ M&A lớn tại miền Trung là Tập đoàn Sunshine mua dự án Diamond Bay (Nha Trang) từ Tập đoàn Hoàn Cầu. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên, theo quy hoạch, dự án Diamond Bay Nha Trang có diện tích gần 300ha và tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD. Cũng tại Nha Trang, Công ty CP Đầu tư VHR công bố mua ba lô đất với tổng diện tích hơn 1,1ha thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập từ Công ty CP Sông Đà Nha Trang. Ở miền Bắc, Tập đoàn FLC và Công ty Lotte Land - công ty con của Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc cũng thành lập liên doanh Công ty CP Lotte FLC với số vốn điều lệ 556,5 tỷ đồng để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ tại cuộc họp cổ đông gần đây rằng, liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất 6,4ha tại Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khá tích cực vào cuộc đua săn quỹ đất sạch, điển hình là Tập đoàn Keppel Land thông qua công ty con Monestine mua 60% cổ phần trong ba lô đất 6,2ha ở huyện Nhà Bè, TP.HCM của Công ty CP Địa ốc Phú Long với giá 1.304 tỷ đồng. Hai bên sẽ hợp tác xây dựng khoảng 2.400 căn hộ cao cấp kèm theo các nhà phố thương mại (shophouse) với chi phí bao gồm cả tiền đất là khoảng 7.400 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 7/2019, CapitaLand - tập đoàn BĐS đến từ Singapore cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ cổ phần Ascendas and Singbridge Pte., Ltd với Temasek. Sau thương vụ này, CapitaLand sẽ là nhà phát triển OneHub Saigon. Đây là khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải rộng 12ha nằm ở lối vào Khu công nghệ cao Sài Gòn.

Chờ đợi những thương vụ lớn

Đánh giá về lợi ích của M&A, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, M&A giúp hàng trăm dự án BĐS đang “trùm mền” không bị ứ đọng vốn và tái khởi động. Từ đó không chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cổ đông mà còn là khách hàng, người mua nhà. Dự án BĐS tái khởi động sẽ giúp các ngành khác cũng hoạt động tốt trở lại như xây dựng, vật liệu...

Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, mặc dù sự quan tâm có giảm đi phần nào so với một vài năm trước do bị thanh tra và kéo dài thêm thời gian phê duyệt các dự án BĐS, nhưng hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội M&A tại thị trường BĐS Việt Nam. Cũng theo ông Stephen Wyatt, các nhà đầu tư nước ngoài đều biết về việc xem xét lại của chính quyền đối với một loạt dự án BĐS. Cái họ cần là sự minh bạch khi tham gia vào bất cứ dự án nào tại Việt Nam.

“Đó là lý do tại sao những nhà đầu tư nước ngoài mới cần nhiều thời gian xem xét thị trường hơn những người cũ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Bởi các nhà đầu tư cũ đã nghiên cứu thị trường cẩn thận và có đối tác địa phương tốt, nên khá chung thủy với thị trường BĐS Việt Nam và vẫn tích cực mở rộng danh mục đầu tư. Do đó, trong 6 tháng tới, sẽ diễn ra một số thương vụ M&A quy mô lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam”, ông Stephen Wyatt chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, những quan ngại về pháp lý của các dự án BĐS bị thanh tra, kiểm tra thời gian qua có thể dẫn đến xu hướng các “ngoại binh” sẽ rút lui. Tuy nhiên, họ sẽ xuống tiền mạnh hơn với những dự án đã được xác định pháp lý rõ ràng, mở đường cho những thương vụ M&A lớn.

Duy Khánh