IMF: Nới lỏng chính sách tiền tệ không đủ để cứu nền kinh tế

Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 26/08/2019

Theo nhiều chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia không nên lạm dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để cứu nền kinh tế.
IMF: Nới lỏng chính sách tiền tệ không đủ để cứu nền kinh tế

Mặc dù chính sách nới lỏng có thể giúp kích thích nhu cầu nội địa, từ đó giúp các quốc gia khác hưởng lợi do nhu cầu mua sắm tăng lên; song IMF bày tỏ quan ngại rằng, hành động này có thể khiến tỷ giá hối đoái suy yếu.

Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng toàn cầu chững lại đi cùng lạm phát duy trì ở mức thấp, hàng loạt ngân hàng trung ương gần đây đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế; và những động thái tương tự dự kiến sẽ được một số ngân hàng khác tiến hành vào cuối năm nay. Mục đích của hành động này là để giảm chi phí cho vay, với hy vọng khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng chi tiêu cũng như đầu tư.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thuộc IMF là Gita Gopinath, Luis Cubeddu và Gustavo Adler, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của một loạt nền kinh tế đã phát triển cũng như mới nổi trong thời gian gần đây có thể sẽ khiến bản thân họ hưởng lợi, song cũng có thể gây ra hậu quả xấu cho các quốc gia khác, từ đó châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ.

Link bài viết

Mặc dù chính sách nới lỏng có thể giúp kích thích nhu cầu nội địa, từ đó giúp các quốc gia khác hưởng lợi do nhu cầu mua sắm tăng lên; song IMF bày tỏ quan ngại rằng, hành động này có thể khiến tỷ giá hối đoái suy yếu. Lý do là vì việc giảm giá đồng nội tệ sẽ khiến xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn và làm giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu từ những nước khác do giá cả tăng - một hiệu ứng được gọi là “chuyển đổi chi tiêu” (expenditure switching).

Phá giá tiền tệ: Tâm điểm của căng thẳng thương mại

Bên cạnh đó, hành vi phá giá tiền tệ đã và đang trở thành một trong những vấn đề nóng đối với căng thẳng thương mại toàn cầu.

Tháng trước, chính phủ Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2019 cũng công kích Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Mario Draghi vì những bình luận mang hơi hướng nới lỏng tiền tệ của ông đã khiến giá trị đồng EUR giảm khá mạnh so với đồng USD.

"Khi không gian dành cho việc thay đổi chính sách tiền tệ tiêu chuẩn của một số nền kinh tế đã phát triển bị hạn chế, phá giá đồng tiền sẽ nhận được sự chú ý đáng kể", IMF cho biết.

“Song, không nên quá kỳ vọng rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đủ sức làm suy yếu đồng tiền của một quốc gia đến mức có thể mang lại sự cải thiện lâu dài trong cán cân thương mại thông qua chuyển đổi chi tiêu”, IMF cảnh báo.

Nguyên nhân là vì chỉ một mình chính sách tiền tệ sẽ không đủ sức gây ra “sự mất giá lớn và liên tục” - điều kiện bắt buộc phải có để đạt được sự cải thiện lâu dài trong cán cân thương mại. Tác động "chuyển đổi chi tiêu" đến từ phá giá tiền tệ nói chung là rất nhỏ, các chuyên gia kinh tế thuộc IMF kết luận.

Theo tổ chức này, một đồng tiền được điều chỉnh giảm 10% chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại của quốc gia đó khoảng 0,3% GDP trong một năm, chủ yếu thông qua việc thu hẹp khối lượng hàng hóa nhập khẩu vì hoạt động thương mại phần lớn được tính theo đồng USD. Trong ba năm, mức cải thiện sẽ lên khoảng 1,2% GDP, khi xuất khẩu phản ứng mạnh hơn với biến động tỷ giá, dù vậy “hiệu ứng chuyển đổi chi tiêu đầy đủ vẫn khá khiêm tốn”.

Thuế quan phản tác dụng

Ngoài ra, IMF cũng đề cập đến những biện pháp bị xem là phản tác dụng của các nhà hoạch định chính sách khi muốn giảm thiểu tác động bất lợi do đồng nội tệ tăng giá như áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước có đồng tiền được coi là bị định giá thấp.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thuế quan và tỷ giá hối đoái hoạt động rất khác nhau, và việc áp thuế nhập khẩu 10% không thể bù lại mức tăng giá 10% của đồng nội tệ, dẫn chứng từ các diễn biến gần đây trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Link bài viết

“Từ đầu năm 2018, mức thuế trung bình của Mỹ áp trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng khoảng 10 điểm phần trăm và sẽ tăng thêm 5 điểm phần trăm nữa nếu kế hoạch áp thuế bổ sung gần đây trở thành hiện thực. Trong khi đó, đồng CNY đã mất giá khoảng 10% so với đồng USD, phần lớn là do những hành động thương mại và sự không chắc chắn này. Sự linh hoạt của đồng CNY đã giúp nó trở thành công cụ chống lại các cú sốc thương mại”, các chuyên gia kinh tế của IMF cho biết.

Dù nhiều người nghĩ tác động của mức thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể được bù đắp bằng một đồng USD mạnh hơn khi giá cả hàng Trung Quốc đã sụt giảm, song trên thực tế, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải chịu gánh nặng thuế quan này. “Lý do: Sự mạnh lên của đồng USD đến nay chỉ có tác động tối thiểu lên giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc vì hóa đơn thanh toán đều bằng đồng USD”.

Thêm vào đó, IMF cũng chỉ ra, hàng rào thuế quan song phương khó có thể làm giảm tình trạng mất cân bằng thương mại, song chỉ đơn thuần chuyển nó sang nơi khác, mà lại còn gây hại cho cả tăng trưởng nội địa lẫn quốc tế khi làm xói mòn niềm tin doanh nghiệp, khiến đầu tư suy giảm, phá vỡ chuỗi cung ứng, đẩy chi phí của nhà sản xuất, người tiêu dùng lên cao.

Giải pháp là gì?

Do đó, thay vì áp thuế, các quốc gia chịu thâm hụt thương mại như Mỹ, Anh nên đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách mà không gây ảnh hưởng tới tăng trưởng, cũng như tăng cường sự cạnh tranh của các ngành công nghiệp xuất khẩu. Chính phủ nên tăng đầu tư để cải thiện kĩ năng của lực lượng lao động và khuyến khích tiết kiệm lâu dài, IMF khuyên.

Đối với các nước có thặng dư thương mại như Đức và Hàn Quốc, chính phủ nên triển khai những chính sách tài khóa đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, trong khi áp dụng các biện pháp cải cách để khuyến khích đầu tư tư nhân, như giảm thuế dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoặc hạ thấp rào cản đối với các ngành nghề chịu nhiều ràng buộc.

IMF cũng kêu gọi tất cả nước thặng dư và thâm hụt tìm giải pháp lâu dài cho những tranh chấp thương mại để giải quyết các mối lo ngại về trợ cấp xuất khẩu cũng như sự yếu kém trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thay vì sử dụng thuế quan và phá giá tiền tệ.

Khởi Vũ