Phim truyền hình Việt khởi sắc trở lại
Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 26/08/2019
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), trong hơn ba tháng lên sóng (21 giờ thứ hai đến thứ sáu trên VTV1), Về nhà đi con (85 tập) luôn nằm trong top 1, top 2 những chương trình được khán giả ưa thích nhất của VTV. Chỉ số rating trung bình của phim chỉ đứng sau Người phán xử (14,28% ở Hà Nội), phát sóng 30 phút/tập nhưng có 8 phút quảng cáo, giá từ 37,5 triệu đến 60 triệu đồng/10 giây và 75 triệu đến 140 triệu đồng/30 giây. Phim còn phủ sóng rộng rãi trên mạng xã hội, riêng fanpage Về nhà đi con mỗi clip thu hút hơn chục ngàn lượt thích chỉ sau vài giờ.
Cùng thời điểm, Mê cung (21 giờ 30 thứ tư và thứ năm trên VTV3) tuy hiệu ứng xã hội không quá sôi nổi nhưng vẫn đạt mốc rating tới 13%, quảng cáo là 90 triệu đồng/10 giây và 180 triệu đồng/30 giây. Kém hơn Về nhà đi con về độ “hot”, Nàng dâu order (21 giờ 30 thứ hai, thứ ba trên VTV3) cũng duy trì được mức quảng cáo 75 triệu đồng/10 giây và 150 triệu đồng/30 giây. Hiện Hoa hồng trên ngực trái đang “nối sóng”, Mê cung và Bán chồng thì tiếp nối Nàng dâu order, Những nhân viên gương mẫu tiếp nối Về nhà đi con. Rubic 8 (14 giờ Chủ Nhật và thứ bảy trên VTV3) đang chiếu phim Đánh cắp giấc mơ (48 tập) đạt rating từ 5-6% (khu vực Hà Nội).
Rõ ràng phim miền Bắc (cụ thể là phim VFC sản xuất) đang nhận được sự quan tâm của khán giả, sau hiệu ứng của Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê... Thành công của phim VFC là đề tài chân thực, xoay quanh chuyện gia đình, hôn nhân và nghị lực sống của những con người bình thường nên tạo đồng cảm với người xem. Dàn diễn viên diễn xuất tự nhiên, dạn dày kinh nghiệm và nặng nội tâm, chất lượng phim được nâng cao, hiện đã đạt Full HD hay 4K, thu tiếng đồng bộ giúp hình ảnh và âm thanh rõ nét, chân thực. VFC rất chú trọng quảng bá phim qua VTV kết nối, mạng xã hội và các nền tảng số. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định: “Về nhà đi con thành công nhờ cộng hưởng của trào lưu, thời điểm, chất lượng nội dung, quảng bá, thời lượng (30 phút/tập), quay “cuốn chiếu” để vừa tiếp thu ý kiến khán giả vừa điều chỉnh kịch bản phù hợp”.
Dù phim VFC “ăn khách” nhưng VTV vẫn đang chia sóng trên VTV1, VTV3 cho cả phim truyền hình của miền Nam sản xuất như Bán chồng, Mộng phù hoa, Mỹ nhân Sài Thành, Hoa cúc vàng trong bão, Đánh cắp giấc mơ... Một số phim VFC đã mời diễn viên miền Nam góp mặt. Đây là nỗ lực xóa ranh giới vùng miền và dung hòa khán giả cho phim phát sóng trên VTV. Năm 2017, Người phán xử (VTV1) rating trung bình tại Hà Nội là 14,28%, tại TP.HCM 0,94-1,79% (Vietnam TAM). Hiện rating ở TP.HCM với phim trên VTV có cải thiện, như Về nhà đi con đạt 10-11% ở Hà Nội, 2-3 % ở TP.HCM.
Trong khi phim trên VTV “gây bão” thì hiện trên HTV7, các khung giờ vàng đã bỏ phim Việt truyền thống (45 phút/tập) để chiếu sitcom (15-30 phút/tập), chỉ còn khung 22 giờ 30 trên HTV9 giao cho TFS chiếu phim “cất kho” xen với phim mới sản xuất. Năm nay TFS vẫn sản xuất phim 45 phút/tập gồm Ráng chiều ấm áp, Rừng thiêng, Kẻ sát nhân cô độc, AND. Từng là chủ lực cung cấp phim cho giờ vàng trên Đài Truyền hình TP.HCM, nhưng hiện nay các nhà sản xuất tư nhân giàu tiềm lực ở miền Nam như Mega GS, M&T Pictures chủ yếu bán phim cho VTV, SCTV và THVL1.
Thuộc đài truyền hình tỉnh nhưng THVL1 (Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long) vẫn duy trì rất tốt chất lượng phim Việt và rating của “giờ vàng” (20 giờ thứ hai đến thứ bảy). Hiện Tình mẫu tử đang chiếu trên khung giờ này có rating từ 8-10% ở khu vực Cần Thơ và 2-3% ở TP.HCM. Đây là chỉ số rating lý tưởng với phim truyền hình miền Nam, bởi mức trung bình chỉ trên 1%. Không chỉ giữ được khung giờ phim Việt cố định để tạo thói quen cho khán giả, THVL1 chọn kịch bản rất kỹ và chỉ đặt hàng các nhà sản xuất giàu kinh nghiệm.
“Dù phim Việt đang có những thuận lợi để khởi sắc trở lại, thách thức lớn nhất chính là vượt lên những thành công đã đạt được. Khán giả luôn đòi hỏi chất lượng ngày càng cao nên để khẳng định uy tín và thương hiệu của một đơn vị làm phim chuyên nghiệp, VFC phải không ngừng trau dồi kỹ năng, học hỏi công nghệ sản xuất phim hiện đại”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Bà Bích Liên - Công ty Mega GS (nhà sản xuất phim Đánh cắp giấc mơ, Tình mẫu tử) nhận định: “Rating của phim truyền hình đang tốt hơn so với mặt bằng chung của các chương trình giải trí trên truyền hình. Chi phí sản xuất một tập phim chất lượng tốt chỉ từ 200-400 triệu đồng, còn một tập gameshow tốt phải tốn 1 tỷ đồng mà rating cũng ngang nhau. Bởi vậy, phim Việt có chất lượng tốt thì không ngại bị lép vế để giữ khán giả”.
Theo nhà biên kịch Châu Thổ, quan trọng nhất là phim Việt phải có được nguồn kịch bản dồi dào và hay, tránh “ăn đong”. Các đài phải quy hoạch sao cho trong một năm kế hoạch đề tài được phân bổ hợp lý, hay có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước để tránh tập trung vào vài dạng đề tài, hoặc các phim phát sóng tùy tiện, dễ gây cảm giác trùng lặp và nhàm chán đối với khán giả.