Các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu ngoại tệ

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:21, 27/08/2019

Không chỉ tăng mạnh lãi suất để tăng cường huy động vốn trong nước, nhiều ngân hàng thời gian qua còn tích cực phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút nguồn vốn ngoại tệ nước ngoài.
Các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu ngoại tệ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 26/8/2019 đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, SHB có kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế với mệnh giá 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được xác định phù hợp với tập quán thị trường trái phiếu quốc tế và các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán nước ngoài dự kiến niêm yết. 

Cụ thể, SHB dự kiến phát hành hai loại trái phiếu gồm 200 triệu USD trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn 10 năm và SHB có quyền mua lại sau 5 năm 1 ngày; 300 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp có kì hạn 3-5 năm. Mức lãi suất cụ thể sẽ được xác định theo phương pháp dựng sổ trên cơ sở nhu cầu của nhà đầu tư. Đây đều là trái phiếu không có đảm bảo, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.

Mục tiêu phát hành trái phiếu quốc tế của SHB theo như nhà băng này cho biết là nhằm nâng cao vị thế và đưa thương hiệu SHB vươn xa hơn thị trường tài chính quốc tế; đa dạng kênh huy động vốn, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước; tạo thêm nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II và các chuẩn mực tài chính quốc tế; gia tăng giá trị cho cổ đông SHB.

Thời gian phát hành dự kiến là trong quý IV/2019 và năm 2020 tùy tình hình thị trường và nhu cầu của SHB. Trái phiếu phát hành dự kiến được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. 

Hồi tháng 6 năm nay, Ngân hàng TMCP VPBank cũng đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế. Theo đó, phương án 1 sẽ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm trong năm nay và năm 2020, phương án 2 phát hành 120 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp xanh kỳ hạn 3 năm với mục đích tài trợ cho danh mục xanh/khoản vay đáp ứng tiêu chí xanh.

Cũng vào đầu tháng 6/2019, ngân hàng TMCP TPBank cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế nhằm tăng vốn cấp 2. Hay trước đó nữa vào cuối tháng 9/2018, HDBank cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm 1 ngày với lãi suất cố định cho dưới 100 nhà đầu tư, mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu. Thời hạn chuyển đổi của trái phiếu sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận với nhà đầu tư, nhưng ít nhất phải sau 6 tháng kể từ ngày phát hành.

Dù nhiều nhà băng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế như trên, nhưng cho đến nay chỉ mới có VPBank thông báo đã hoàn tất đợt phát hành đầu tiên  với khối lượng là 300 triệu USD có kỳ hạn 3 năm vào ngày 17/7/2019, theo đó sẽ đáo hạn vào ngày 17/7/2022, lãi suất 6,25%/năm, kỳ tính lãi 6 tháng/ lần. 

Được biết, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền, chào bán tại nước ngoài và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. VPBank phát hành theo phương thức dựng sổ trên cơ sở tư vấn, thu xếp của các ngân hàng Standard Chartered Bank, BNP Paribas và J.P Morgan.

Như vậy, sau 7 năm kể từ năm 2012 cho đến nay, mới có VPBank là ngân hàng thứ hai sau Vietinbank tìm kiếm vốn ngoại thành công qua con đường phát hành trái phiếu quốc tế. Trước đó, vào năm 2012, Vietinbank từng phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với quy mô  khá lớn là 250 triệu USD, kỳ hạn 5 năm với lãi suất 8%/năm, niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Gia Lê