“Về việc riêng” trong Di chúc của Bác Hồ
Trong nước - Ngày đăng : 03:15, 01/09/2019
Thời trai trẻ, lại đang ở chiến trường miền Nam, những người lính giải phóng được học tập 5 vấn đề lớn trong Di chúc, còn “Về việc riêng” thì mãi đến ngày 19/8/1989, khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 151-TB/TW thông báo một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày Bác qua đời thì chúng tôi mới chính thức được biết. Từ đó, với riêng tôi, phần thấm thía nhất trong Di chúc của Bác chính là phần “Về việc riêng”.
Bác viết “Về việc riêng” nhưng không hề đề cập đến cá nhân hay bản thân mình, bởi ngay từ những năm tháng gian nan vất vả đi tìm đường cứu nước, Người đã nói rõ mục đích là để giải phóng dân tộc và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, trong Di chúc, Người nói về nhân dân vừa chứa chan tình yêu thương, vừa rất tự hào: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”. Mục đích của Người trước sau vẫn không thay đổi: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Chính vì vậy, Bác đặc biệt nhấn mạnh trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Đọc Di chúc, không khỏi xúc động bởi từng câu, từng chữ đều toát lên lòng yêu thương con người, toát lên cách sống giản dị, cần kiệm, không bao giờ có khái niệm đặc quyền, đặc lợi của Bác. Ở Di chúc của Bác, Người đều căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Cái riêng của Người đã hòa quyện trong cái chung của dân tộc. Vì thế mà trước lúc đi xa, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc duy nhất một điều là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho dân, cho nước, càng phản ánh sâu sắc phẩm chất, đạo đức cao quý của một con người, một lãnh tụ cách mạng suốt đời chỉ biết phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước.
Là người sáng lập Đảng, là lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến khi viết Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về những việc Đảng phải làm để thực hiện được mục tiêu vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, để “điều mong muốn cuối cùng” của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Như con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng, như một ngọn nến cháy sáng đến giọt sáp cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ sự tuyệt đối trung thành với lẽ sống của đời mình: Tận tụy phục vụ đồng bào, vui niềm vui chung của toàn dân tộc, đau nỗi khổ đau riêng của từng người, từng số phận, đúng như Người trả lời phỏng vấn phóng viên báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Những dòng Người gửi lại trong Di chúc “Về việc riêng” chính là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Cán bộ, công chức có cần kiệm - liêm chính mới hành xử chí công - vô tư được!
Nửa thế kỷ đã qua từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại Di chúc. Đất nước đã thu về một cõi, công cuộc đổi mới nền kinh tế đã làm cho đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện rõ rệt, nhưng công bằng mà nói, còn nhiều vấn đề mà cán bộ, công chức mới chỉ “học tập” mà chưa “làm theo” đúng mức những việc mà Bác Hồ căn dặn, đặc biệt chưa thực hiện đầy đủ “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.
Qua những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, để thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo tôi, mọi việc phải thật thiết thực, tránh phô trương, lãng phí, hoặc chỉ làm theo phong trào. Người dân Việt Nam luôn tự hào “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” thì phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với niềm tự hào đó.