Châu Á - Đất hứa cho các “siêu ứng dụng” ngành công nghệ
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 03/09/2019
“Siêu ứng dụng đã trở thành hình thức kinh doanh mới tại châu Á”, Vishal Harnal - Quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups ở Singapore nhận xét |
Anh Michael Xu - một người Canada gốc Trung Quốc, đã có nhiều ngạc nhiên khi trở về thăm quê nhà Trung Quốc vào năm 2017. Ngay sau khi trở về, kỹ sư phát triển game tại Toronto này đã quyết định bay nửa vòng trái đất về thăm lại Trung Quốc một lần nữa để học cách phát triển trò chơi cho ứng dụng WeChat của Trung Quốc.
Nói chuyện trong cuộc phỏng vấn mới đây, Xu nhận xét: “WeChat có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Trung Quốc. Ngay cả ông nội 88 tuổi của tôi cũng dùng WeChat rất sành sỏi. Ông từng nhiều lần gọi điện cho tôi và chia sẻ hình ảnh cũng như thông tin với tôi”.
Sau này, Xu đã quyết định thâm nhập vào thị trường trò chơi điện tử của Trung Quốc; ban đầu anh quyết định theo học một khóa lập trình của WeChat tại Thượng Hải. Anh tin tưởng vào tiềm năng của WeChat: “Tất cả mọi người Trung Quốc đang dùng WeChat. Họ sẽ dễ dàng chơi trò chơi của chúng tôi trên WeChat, điều đó tốt hơn việc phải đề nghị người dùng tải một ứng dụng khác nữa để chơi trò chơi”.
Link bài viết
Chiến lược phát triển sản phẩm và tiếp cận kinh doanh của Xu cho thấy sức mạnh của WeChat - ứng dụng thuộc quyền điều hành của Tập đoàn Tencent Holdings. WeChat hiện có đến hơn 1,1 tỷ người sử dụng, chủ yếu tại Trung Quốc. Hiểu một cách đơn giản, WeChat là tập hợp của tất cả tính năng có trên WhatsApp, Apple Pay, Uber, Facebook, Expedia và nhiều ứng dụng khác. Thành công của WeChat đang tạo cảm hứng cho nhiều công ty khắp châu Á xây dựng nên ứng dụng của riêng họ, tạo ra hiệu ứng “siêu ứng dụng”.
Tuy nhiên sự tiện dụng vẫn có cái giá của nó. Không ít chuyên gia cảnh báo rằng sự trỗi dậy của các ứng dụng tác động xấu đến cạnh tranh và sự đổi mới trên mạng trực tuyến.
Dù đến nay, chưa ai có thể thống kê được chính xác những “siêu ứng dụng” tại châu Á, song chúng vẫn phát triển bùng nổ ở kể cả những nơi xa xôi nhất. Myanmar mới có mạng Internet từ năm 2000, cũng đã kịp phát triển được ứng dụng kiểu Zalo như ở Việt Nam.
Zalo tại Việt Nam ban đầu phát triển như một công cụ nhắn tin và sau đó cho phép mua sắm và thanh toán trực tuyến. Tại Ấn Độ, Tập đoàn Reliance của Ấn Độ vào đầu tháng này cũng đã thông báo sẽ phát triển ứng dụng với khoảng 100 dịch vụ đi kèm.
Quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups ở Singapore - ông Vishal Harnal, nhận xét: “Siêu ứng dụng đã trở thành hình thức kinh doanh mới tại châu Á”.
Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc có nhiều ngành kinh tế đã phát triển khi mà điện thoại thông minh phát triển. Hàng triệu người tại châu Á đã không kịp bắt kịp trong kỷ nguyên máy tính cá nhân phát triển thế nhưng đã bỏ qua nó và dùng luôn điện thoại thông minh, sử dụng ứng dụng như điều đương nhiên phải đến.
Cùng lúc đó, thị trường ứng dụng quy mô nhiều tỷ USD đang trong tình trạng cạnh tranh như vũ bão. Chỉ riêng tại Trung Quốc, có hơn 4 triệu ứng dụng, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin. Giới chuyên gia phân tích cho rằng với nhiều doanh nghiệp, các siêu ứng dụng giúp thu hút người dùng và giữ chân họ.
Amalia Ayuningtyas - một tư vấn viên tại Jakarta (Indonesia), là một minh chứng sống cho thấy chiến lược của các doanh nghiệp thực sự phát huy tác dụng. Ban đầu, cô chỉ tải Go-Jek về để đi lại, thế nhưng sau đó cô cũng sử dụng nhiều tính năng khác của ứng dụng nữa bởi cô cảm thấy hài lòng bởi các chương trình khuyến mại trên Go-Jek.
(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)