Họp báo Chính phủ: Những vấn đề kinh tế xã hội được trả lời thẳng thắn
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 05/09/2019
Tại buổi Họp báo, các thành viên Chính phủ lần lượt trả lời câu hỏi của phóng viên báo đài về các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm trong thời gian qua.
Những vấn đề của ngành giao thông vận tải
Bảo đảm an toàn bay liên quan đến sự việc lún nứt sâu sân bay quốc tế Nội Bài; đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mua lại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước với số tiền dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Số tiền này lấy từ đâu? Việc mua lại này dựa trên cơ sở nào? Và các vấn đề về xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam… đó là những câu hỏi báo chí đặt ra cho Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời: Trước đây, đối với việc chưa cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ tháng 4/2016 trở về trước, công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp mới, cải tạo đều do ACV thực hiện trên cơ sở cơ chế hạch toán đã xác định đối với ACV. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa từ tháng 4/2016, do liên quan đến vấn đề an ninh các sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp. Việc lập kế hoạch trung hạn năm 2016-2020, nguồn kinh phí khá khó khăn do không nằm trong kế hoạch trung hạn này.
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44 về quản lý nguồn tài sản hàng không và giao cho Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phương án giao kết cấu hạ tầng hàng không. Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao cho ACV. Trước mắt, ACV tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn. Kiến nghị của Bộ GTVT là dùng các nguồn vốn khác nhau do ACV huy động.
Tuy nhiên, trước mắt Đề án chưa được phê duyệt, việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đã xảy ra. Hiện tại, ACV đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng đó để bảo đảm an toàn bay.
Liên quan đến vụ việc Bộ GTVT mới đây đề xuất mua lại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời, theo tờ trình của Bộ GTVT ngày 9/7/2019 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý. Trong Đề án này đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác.
Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025. Trong phương án đó cũng có một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng. Nếu Đề án được phê duyệt thì mới có chủ trương để phê duyệt đề án mua hoặc là lấy kinh phí ở đâu để thực hiện.
Về xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời: Về kết quả sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam, quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5/2019, Ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển, tháng 7/2019 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại, Ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 22, các phân loại đầu tư đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đảm bảo cho khai thác khi xây dựng xong, hiệu quả đảm bảo kết nối các tuyến đường và có khả năng thu hồi vốn.
Trên cơ sở thiết kế tính toán tổng mức đầu tư, từ đó xác định quy mô đầu tư của con đường và trên cơ sở đó theo quy định của pháp luật thì vốn điều lệ phải 20% tổng mức đầu tư. Vì vậy vốn đầu tư dự án đường cao tốc ở mức khá cao.
Khúc mắc trong Dự luật đầu tư theo hình thức PPP
Về Dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với dự án thí điểm đầu tiên là Dầu Giây - Phan Thiết, Chính phủ đã làm việc với nhà tài trợ nước ngoài và đồng ý số tiền bảo lãnh lên tới hàng tỷ USD cho một doanh nghiệp tư nhân là Bitexco làm dự án này. Đến nay dự án đã ngừng. Bên cạnh đó còn những dự án BOT rất nhiều vấn đề. Vậy giải quyết vấn đề khúc mắc của các dự án PPP ra sao? Việc hoàn thiện khung pháp lý của dự án PPP như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết: Về dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, trước đây là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đó, dự án này có tổng mức đầu tư khá lớn, khoảng 750 triệu USD. Nhà nước hỗ trợ khoảng 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới.
Nhà đầu tư gồm Bitexco và nhà đầu tư thứ hai sẽ bỏ ra 500 triệu USD, trong đó riêng Bitexco phải bố trí 60%, khoảng 350 triệu USD để thực hiện dự án. Tuy nhiên quá trình đàm phán thực hiện dự án này đã không thành công và đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc thí điểm dự án theo cơ chế này.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020. Dự luật này trên cơ sở kế thừa các quy định hiện nay chúng ta đang có để thực hiện các dự án PPP, trước đây là Nghị định 108, sau đó là Nghị định 15, Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Các nghị định này là khuôn khổ pháp lý để thực hiện các dự án PPP trong suốt thời gian qua, đã thực hiện được 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án BOT.
Mặc dù còn những vấn đề tồn tại, nhưng các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên để hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ nhận thấy hiện khung pháp lý chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP. Thêm nữa các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên trong dự luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro.
Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP vì bản chất của dự án PPP là dự án có tính chất đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án Chính phủ đều tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả. Ví dụ, dự án Dầu Giây - Phan Thiết sau khi dừng thí điểm đã được đưa vào một trong 8 dự án thành phần theo hình thức BOT thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam theo Nghị quyết 52 của Quốc hội với tổng mức đầu tư là 14.300 tỷ đồng và Nhà nước tham gia khoảng 2.500 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính cho dự án.
“Made in Vietnam” vẫn chưa có lời hẹn cụ thể
Quy chuẩn hàng "Made in Vietnam" được Bộ Công Thương lấy ý kiến và góp ý, bao giờ ban hành quy định này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngày 29/6/2018, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào là sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và đã hoàn thành dự thảo ban đầu là Thông tư và đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan.
Thông tư này có đối tượng tác động rất rộng, nội dung tương đối phức tạp, Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đông đảo người dân và doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan. Ông Hải nói: “Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp. Chúng tôi sẽ ban hành thông tư này trong thời gian sớm nhất với mục đích đảm bảo hướng cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ rõ ràng, quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam”.
Sữa học đường - Chưa có Thông tư làm căn cứ thực hiện
Ngày khai giảng năm học mới đã đến nhưng Thông tư quy định về sữa tươi Chương trình Sữa học đường vẫn chưa được ban hành, trong khi đó đây là cơ sở pháp lý để các địa phương, trường học căn cứ thực hiện. Vì sao chậm ban hành? Cơ sở khoa học pháp lý của việc đưa 24 vi chất vào sản phẩm sữa trong Chương trình Sữa học đường là gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016 và sau hai tháng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong Chương trình, sau đó Bộ Y tế đã gửi nhiều văn bản đến các địa phương để thực hiện Quyết định 5450. Cho đến hiện tại, đã có gần 20 tỉnh, thành phố đưa Chương trình Sữa học đường vào thực hiện.
Về quá trình xây dựng Thông tư, từ năm 2017, Bộ Y tế đã giao các đơn vị chuẩn bị dự thảo ban hành Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, quá trình này không thể làm ngắn gọn được vì liên quan đến việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng, việc bổ sung vi chất này đòi hỏi có cơ sở khoa học, nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các loại vi chất này với sức khỏe của “lứa tuổi vàng” của dân tộc. Trải qua một thời gian lấy ý kiến, ngày 22/8/2019, Bộ Y tế đã làm việc với các doanh nghiệp sữa, Hiệp hội Dinh dưỡng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng… Bộ trưởng bộ y tế có quan điểm như sau:
Bộ Y tế khi ban hành văn bản quản lý Nhà nước sẽ hướng đến quyền lợi của người dân, tính khoa học, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi. Chương trình Sữa học đường phải mang lại tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm. Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và sẽ sớm ban hành Thông tư trong tháng 9/2019. Theo Thông tư này, sản phẩm sữa tươi có hai loại được ưu tiên là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Còn hai nhóm sữa tươi thanh trùng không được lựa chọn bởi thời gian bảo quản không đảm bảo với khu vực vùng sâu vùng xa.
Về vi chất, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng có báo cáo cấp Bộ về vấn đề này. Nếu đến thời điểm ban hành Thông tư vẫn chưa có báo cáo, dữ liệu khoa học chứng nhận được tác động có lợi của 21 vi chất thì chúng tôi vẫn ban hành Thông tư, trước mắt bổ sung 3 vi chất nằm trong Quyết định 1300 của Thủ tướng là vi chất sắt, canxi và vitamin D, đồng thời tiếp tục giao Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các vi chất còn lại để bổ sung vào sau.
Tiếp theo Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, các ban của Quốc hội để tổng hợp, thống kê, đánh giá toàn bộ Chương trình Sữa học đường.