Công nghệ trẻ hóa diễn viên của Hollywood: Con dao hai lưỡi?
Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 13/09/2019
Trẻ hóa bằng kỹ thuật số
Công nghệ trẻ hóa bằng kỹ thuật số xuất hiện lần đầu tiên trong phim X-Men: The Last Stand (2006), sau đó là The Curious Case of Benjamin Button (2008), The Hobbit: The Desolation of Smaug (2013)… nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Mãi đến năm 2015, công nghệ mới thật sự gây chú ý qua một phim của Marvel: Ant-Man. Trong phim, diễn viên Michael Douglas (vai Hank Pym) đã được làm cho trẻ lại đến 26 tuổi trong một đoạn hồi tưởng về năm 1989.
Công nghệ trẻ hóa sau đó càng được sử dụng phổ biến ở nhiều phim khác. Tony Stark xuất hiện bằng một phiên bản trẻ hơn ở đoạn hồi tưởng trong Captain America: Civil War (2016), Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017) cũng giới thiệu một Kurt Russell (vai Ego) như một ảo ảnh của chính anh. Johnny Depp cũng được làm cho trẻ lại trong Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales (2017). Đầu năm nay, trong Captain Marvel, Samuel L. Jackson cũng gây ấn tượng khi xuất hiện trên màn ảnh với dáng vẻ trung niên, dù ngoài đời ông đã 70 tuổi. Kế đến, Avengers: Endgame cũng tiếp tục dùng công nghệ để trẻ hóa nhiều diễn viên như Robert Downey Jr., Scarlett Johansson…
Sắp tới, trong phim Gemini Man của Paramount Pictures, Will Smith (50 tuổi) sẽ được làm trẻ lại ở tuổi 20. Một phim khác sử dụng công nghệ trẻ hóa cũng sẽ ra mắt vào mùa thu này là The Irishman, do Martin Scorsese đạo diễn. Trong phim, Robert De Niro (75 tuổi) và Al Pacino (79 tuổi) sẽ “du hành” qua những mốc thời gian khác nhau, kéo dài hàng thập kỷ.
Sân chơi của những “ông lớn”
Lola Visual Effects, công ty đứng đằng sau màn ra mắt công nghệ trẻ hóa trong X-Men: The Last Stand, vẫn đang dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Họ hợp tác gần như độc quyền với loạt phim Marvel và X-Men, chịu trách nhiệm quay ngược kim đồng hồ để làm cho các diễn viên trẻ lại. Các công ty VFX (hiệu ứng hình ảnh) khác như Weta Digital (loạt phim The Hobbit, Aquaman) và Industrial Light & Magic (The Irishman và bộ phim sắp tới của Star Wars) cũng dần bước vào cuộc chơi đầy công phu và tốn kém này.
Trước tiên, nhóm VFX phải tạo một thư viện về da, màu mắt, hình dạng khuôn mặt, hình dạng cơ thể, màu tóc, đường chân tóc và nhiều chi tiết khác của diễn viên. Darren Hendler, trưởng nhóm VFX của công ty Digital Domain ước tính việc này có thể tiêu tốn từ 500.000 đến 1 triệu USD. Sau đó, nhà sản xuất có thể phải trả từ 30.000 đến 100.000 USD cho mỗi cảnh quay.
Christopher Townsend, giám sát viên VFX của phim Guardians of the Galaxy Vol. 2, giải thích quá trình trẻ hóa Kurt Russell như sau: Lola Visual Effects bắt đầu thu thập và kiểm tra những bức ảnh từ thập niên 80 của Russell cũng như các bộ phim ông đóng từ thời kỳ đó. Tiếp theo, họ dùng diễn viên đóng thế Aaron Schwartz, có cấu trúc khuôn mặt giống Russell. Để quay phim, cả Russell và Schwartz đều mặc quần áo giống hệt nhau và mang những điểm thu tín hiệu trên mặt để ghi lại biểu cảm. Russell diễn một cảnh, và Schwartz bước vào, thực hiện lại y hệt. Sau đó, hình ảnh tiếp tục được xử lý hậu kỳ rất công phu trong nhiều tháng.
Tương lai của những diễn viên kỹ thuật số
“Đây là một xu hướng của điện ảnh”, Hal Hickel - giám sát viên hoạt hình của Industrial Light & Magic, đoạt giải Oscar về kỹ xảo với phim Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest - cho biết. “Có thể là do công nghệ đã được ứng dụng thành công và các nhà làm phim nhận ra rằng đó là một trong những sự lựa chọn của họ khi kể chuyện.” Darren Hendler tin rằng kỹ thuật “khử lão hóa” và những diễn viên kỹ thuật số sẽ bắt đầu xuất hiện trong nhiều phim hơn, không chỉ trong những phim có ngân sách lớn như của Marvel.
Ngược lại, cũng có khá nhiều người nghi ngờ về tương lai của công nghệ, điển hình là Martin Scorsese. Ông cho rằng nó khiến đôi mắt của diễn viên không biểu cảm. Đồng quan điểm với ông là nhà phê bình Manohla Dargis của New York Times và Andrew Gruttadaro của The Ringer. Gruttadaro bình luận: “Với tư cách là một khán giả, xem Russell, hoặc Robert Downey Jr trong Captain America: Civil War, bạn sẽ có cảm giác rờn rợn bởi không phải đang xem một con người, mà là một thực thể bắt chước một con người.”
Với các diễn viên, công nghệ này còn giống như một con dao hai lưỡi. Hiện tại, nó chủ yếu được áp dụng với các diễn viên còn sống. Nhưng trong tương lai, chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhiều ngôi sao điện ảnh được hồi sinh từ cõi chết? (Chẳng hạn mới đây, diễn viên Peter Cushing đã được làm “sống lại” trong phim Star Wars: Rogue One).
Luật giải trí đã bắt đầu thay đổi để tính tới với điều này. Các tiểu bang như California đã đưa ra luật cho phép cá nhân có quyền yêu cầu hình ảnh của mình được sử dụng và không được sử dụng vào những việc gì trong tối đa 70 năm từ khi họ qua đời. Trong tương lai, nhiều khả năng người ta sẽ phải đối mặt với câu hỏi ai là người sở hữu và có quyền truy cập vào phiên bản kỹ thuật số của họ.
Bên cạnh đó, khi ngành công nghiệp giải trí, luật pháp và các chính phủ đang tìm cách bắt kịp với hình thức công nghệ mới mẻ này, thì những video giả mạo cũng sẽ “bám đuôi” kịp. Người ta có thể sẽ tạo ra những video giả để các chính trị gia hoặc người nổi tiếng nói hoặc làm những điều mà bình thường họ không nói hoặc làm. Không có gì đáng ngạc nhiên, vì những kỹ thuật như vậy đã đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực phim người lớn, nơi gương mặt của các ngôi sao Hollywood thường được ghép vào cơ thể của các diễn viên khiêu dâm.
Rõ ràng khi công nghệ tiến bộ theo cấp số nhân, đạo đức con người có xu hướng tụt lại phía sau. Dù các diễn viên được hưởng lợi từ việc trẻ lại vài năm và các nhà làm phim không còn phụ thuộc vào hóa trang kém chất lượng cho những đoạn hồi tưởng, nhưng một sự “phân nhánh” của công nghệ trẻ hóa có thể dẫn đến một thế giới giải trí vi phạm quyền con người.
Nếu chúng ta đã quan tâm đến ảnh hưởng của tin tức giả, điều gì xảy ra khi hầu hết chúng ta không thể xác định đâu là khuôn mặt thật?