Mộc mạc như người Myanmar
Du lịch - Ngày đăng : 04:14, 14/09/2019
Người lao động Myanmar thường không chú trọng lắm vào “thì tương lai” với bằng cấp, nhà lầu, xe hơi đắt tiền như người Việt Nam. Họ chỉ mong ngày có đủ cơm ăn và chút thời gian viếng đền chùa. Đền chùa là biểu tượng tâm linh lấn át đời sống thường nhật người Myanmar (98% dân số theo đạo Phật). Buồn vui gì họ cũng tìm đến đền chùa sẻ chia, cầu nguyện.
Đi đền chùa với quần áo đẹp và những người yêu thương là nét văn hoá cổ truyền của người Myanmar. Đạo Phật ở đây theo phái tiểu thừa. Những chú tiểu đi khất thực xuất hiện trên khắp các nẻo đường Myanmar. “Ăn theo” đền chùa là các dịch vụ buôn bán hàng cúng, hàng ăn và hàng lưu niệm cho khách phương xa. Hàng cúng thì muôn hình vạn trạng với lọng che, hoa, sớ… được cắt dán bằng giấy đủ thứ màu. Khách nào đến cúng bái cũng sắm sửa một mâm cúng hoành tráng với gương mặt tín ngưỡng tươi cười rạng rỡ…
Ở Cambodia, Lào, Thái Lan… bạn chỉ thấy người nông thôn vận xà rông (longyi); còn ở Myanmar, già trẻ trai gái vận xà rông khắp chốn. Trên đường phố Yangon rợp bóng cây cổ thụ, từng đoàn lũ lượt viên chức - học sinh - sinh viên kính trắng, sơ-mi trắng rỡ ràng cũng vận xà rông. Các bác tài xe bus, taxi, xe lôi đạp… cũng xà rông tuốt.
Anh Aung Aung, 43 tuổi, hướng dẫn đoàn chúng tôi ở thành phố cổ Bagan cũng phấn khởi thay một ngày hai chiếc xà rông, buổi sáng vận chiếc màu mận chín, buổi chiều màu cỏ. Aung Aung cho biết: “Chúng tôi đều có quần hai ống cả, nhưng mặc longyi vừa mát vừa dễ chịu, ai mà không thích. Các bạn Việt Nam sang đây làm ăn, buôn bán lâu ngày cũng thích longyi thôi”.
Ăn trầu. Aung Aung ăn trầu đáng nể. Môi anh ta lúc nào cũng đỏ quệt nước trầu. Đứng gần anh ta, mùi lúc nào cũng hăng hăng. Một ngày Aung Aung ăn những 2.000 kyat tiền trầu (vị chi 20 miếng, mỗi miếng 100 kyat = 2.000 VND). Aung Aung bảo, đàn ông Myanmar phải ăn trầu để ngừa được nhiều bệnh, có sức khỏe mà lo cho vợ con. Thay vì hút thuốc vừa đắt tiền vừa dễ bị lao phổi, thế là Aung Aung ăn trầu.
Tài xế taxi Myanmar ăn trầu |
Không chỉ mình Aung Aung, đàn ông Myanmar khắp chốn đều nghiện trầu. Ở Yangon, trầu được bán trên những chiếc xe đẩy bằng kính xinh xinh như người ta bán bò bía ở Sài Gòn. Quý ông vận longyi xúm xít chung quanh, cô bán hàng hân hoan đứng giữa, tay phải quậy cây dài như chiếc đũa bếp vào xô vôi to đùng, xong lấy đũa quệt vôi lên lá trầu xanh xinh xắn đang cầm bên tay trái. Một chút cau khô, một chút thuốc lào rải lên lá trầu, xong cuốn lại đưa cho khách. Khách đón lấy nhai tại chỗ ngon lành.
Aung Aung bảo, cô bán trầu têm khéo cỡ nào, trầu xanh Myanmar cũng không ngon bằng trầu vàng Việt Nam. Trầu vàng Việt Nam ăn với cau tươi Hóc Môn - Sài Gòn thì tuyệt cú mèo! Có lẽ một ông khách Sài Gòn nào đó đã cho Aung Aung ăn trầu Việt Nam và dạy anh ta nói chữ “tuyệt cú mèo” thay chữ “interesting” mà anh ta hay dùng.
Sau đi chùa, ăn trầu, mặc longyi; điều thú vị mà du khách dễ khám phá nhất trong đời sống người Myanmar là tục bôi phấn thanakha lên mặt. Phấn này được mài từ cây thanakha bôi lên hai má, trán, chóp mũi mọi người để giữ ẩm cho da và chống nắng. Già trẻ trai gái gì cũng đều bôi một cách hồn nhiên và tự nhiên diễu hành khắp các nẻo đường.
Các cô bán hàng đứng chào mời khách ở đền chùa giữa trưa nóng rát, bột thanakha chảy lem luốc từng dòng trên mặt trên má cũng mặc kệ. Cô Choice nhắc nhở, họ thấy điều đó là bình thường, cho nên quý vị đừng lấy làm ngạc nhiên sẽ gây khó chịu. Bột thanakha được bán quanh đền chùa với giá khá rẻ, một miếng hình chữ nhật to bằng bàn tay giá chỉ 5.000 kyat (100.000 VND).
So với chế độ độc tài quân sự trước kia, chính quyền Liên bang Myanmar với gần 60 triệu dân bây giờ đã thông thoáng hơn nhiều. Họ đang cải cách chính trị theo con đường tự do dân chủ sau khi được phương tây xóa cấm vận. Nhưng dẫu thế nào, người dân Myanmar vẫn không thôi ngưỡng mộ bà Aung San Suu Kyi - Chủ tịch Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ, cố vấn quốc gia Myanmar. Ngôi nhà của bà Aung nằm lặng lẽ trên một con phố lớn ở Yangon. Nhiều du khách đã tìm đến đây, xuống xe, đứng nhìn và chụp một kiểu ảnh để bày tỏ lòng quý mến người phụ nữ được trao giải Nobel hòa bình thế giới năm 1991.
Đến khám phá đất nước chùa vàng trong thời điểm này, tận mắt chứng kiến Myanmar ngày ngày thay da đổi thịt với những công trình mới đang hối hả hoàn thành, ai cũng tin con đường cải cách của Yangon sẽ thành công. Aung Aung sẽ luôn nở nụ cười đỏ tươi màu trầu vì nhận được nhiều show hướng dẫn du lịch hơn, hy vọng anh sẽ sớm tích lũy đủ tiền cho con gái đi du học Singapore theo nguyện vọng gia đình.